Không tốn nhiều tiền, vẫn hiệu quả

Nhiều người dân thành phố rất ngạc nhiên khi chứng kiến những hình ảnh chống ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh trong những ngày gần đây. Chỉ sau khoảng 15 phút vận hành máy bơm, con đường đang ngập nửa bánh xe đã cạn nước.

Trong bối cảnh các công trình chống ngập thi công kéo dài, chưa mang lại kết quả, việc tiêu thoát nước nhanh trên đường Nguyễn Hữu Cảnh cùng những cam kết của nhà đầu tư là không hết ngập thì không nhận tiền... đã tạo ấn tượng cho nhiều người.

Chương trình chống ngập nước đã được thành phố triển khai liên tục từ hơn 10 năm nay. Năm 2008, thành phố thành lập Trung tâm Điều hành chống ngập nước, là cơ quan chuyên trách với các chức năng chủ yếu là nghiên cứu, xây dựng chiến lược và các giải pháp kiểm soát lũ, triều; điều phối các hoạt động, dự án tiêu thoát nước để giải quyết căn bản tình trạng ngập nước.

Theo chương trình hành động giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố, phấn đấu hướng tới mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ở khu vực trung tâm và một phần lưu vực ngoại vi với tổng diện tích 550 km2, bao phủ địa bàn sinh sống của khoảng 6,5 triệu người dân. Trong những năm qua, thành phố cũng đã triển khai nhiều công trình quan trọng như: Nạo vét, nâng cấp, xây mới hàng chục nghìn mét cống thoát nước; hàng chục km kênh rạch; củng cố đê bao, khởi công xây dựng các hồ điều hòa; lắp đặt các cống, van ngăn thủy triều; tôn nền, nâng cao trình nhiều tuyến đường... với kinh phí hàng chục nghìn tỷ đồng. Chỉ riêng đầu năm 2017 đến nay, đã có hàng chục công trình, dự án do Trung tâm Điều hành chống ngập nước làm chủ đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các nỗ lực nói trên với những khoản tiền đầu tư lớn vẫn chưa mang lại kết quả như người dân mong đợi.

Chống ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên quy mô toàn thành phố là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, tiền của cùng quyết tâm cao của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Nhìn tổng thể, các dự án, công trình chống ngập đã, đang và sắp thực hiện đều mang tính khoa học, thế nhưng chưa mang lại hiệu quả thực tế. Vẫn còn nhiều nơi bị ngập khi mưa lớn, nhiều tuyến đường, nhiều khu vực ngập sâu, kéo dài vào những ngày triều cường gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại của người dân.

Từ thực tế trực quan chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều người đặt vấn đề: Thành phố có hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu với rất nhiều cán bộ khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy lợi, thủy văn; thành phố đã huy động được sự đóng góp trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, các trường đại học, viện nghiên cứu về lĩnh vực này như thế nào nhằm tìm ra giải pháp ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác chống ngập, ứng phó với biến đổi khí hậu?; vì sao những dự án, công trình tiêu tốn nhiều tỷ đồng lại không hiệu quả như công trình tiêu thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh? Với tư cách là những người nộp thuế, người dân đòi hỏi những đồng tiền đóng góp của mình được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Một đợt triều cường, một trận mưa lớn tuy chưa đủ để đánh giá toàn diện năng lực tiêu thoát nước, các mặt tác động khác của công trình chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nhưng, ít nhất nó đã mang lại lợi ích cho nhiều người dân trong khu vực hoặc thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này. Lợi ích cho số đông là yếu tố cơ bản để nghiên cứu, áp dụng vào những địa bàn tương tự.