Không chủ quan với cúm A/H1N1

Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh xác nhận, đã có một người chết do cúm A/H1N1 sau năm ngày tự điều trị tại nhà. Qua đây, có thể thấy người dân thành phố không nên chủ quan với bệnh cúm.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ bệnh viện (nơi có người chết do cúm A/H1N1), Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã phối hợp Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tiến hành điều tra dịch tễ và triển khai các biện pháp giám sát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng.

Tiếp theo, một chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ đã khởi phát vào chiều tối 2-6 với các triệu chứng cúm nhẹ. Tổng cộng có 28 trường hợp mắc bệnh cúm đã được ghi nhận. Trước đó, các trường hợp bệnh cúm và cả những người bệnh không bị cúm có tình trạng lâm sàng ổn định đã được cho xuất viện và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại địa phương. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn năm người bệnh đang nằm điều trị các bệnh lý khác. Cùng lúc này, một người bệnh khác là nam tài xế (49 tuổi, quê Bình Thuận, có tiền sử tiểu đường type 2) cũng nhập viện vào một bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh trong tình trạng suy hô hấp nặng. Người bệnh cũng tự điều trị tám ngày ở nhà, sau đó mới vào viện. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm cũng dương tính với cúm A/H1N1.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, ngoại trừ các người bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ, người bệnh đã chết và người có bệnh tiến triển nặng ở Bệnh viện Chợ Rẫy là hai trường hợp bệnh cúm xảy ra trên đối tượng có nguy cơ diễn tiến nặng cao (béo phì, tiểu đường), không có mối liên hệ dịch tễ với nhau, nguồn lây từ cộng đồng, không phải từ bệnh viện. Đối với những trường hợp mắc bệnh, qua giám sát, đến nay không phát hiện thêm người mắc bệnh cúm nào tại nơi sinh sống và trong các bệnh viện đã điều trị bệnh nhân này. Thông tin về người bệnh ở Bình Thuận đã được báo cáo cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để tổ chức giám sát theo quy định. Trung tâm và Viện Pasteur cũng đã thống nhất với các bệnh viện các biện pháp phòng lây nhiễm trong bệnh viện; đồng thời truyền thông phòng, chống cúm tại nơi người bệnh cư ngụ. Hiện, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để giám sát chặt chẽ người bệnh cũng như kiểm soát lây nhiễm tại bệnh viện và cộng đồng.

Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh Phan Trọng Lân khuyến cáo người dân, nhất là các đối tượng nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người béo phì, người có bệnh mạn tính cần chủ động phòng nhiễm bệnh cúm như: tiêm chủng vắc-xin, vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm hô hấp; nếu có triệu chứng sốt và ho, hắt hơi, sổ mũi... cần đi khám tại các cơ sở y tế để được điều trị, không tự ý mua thuốc điều trị để tránh những diễn biến đáng tiếc. Bệnh cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa) là bệnh truyền nhiễm do vi-rút H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật, bề mặt bị dính chất dịch có chứa vi-rút sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng… Bệnh cúm dễ lây lan ở những nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, nhà trọ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân lưu ý khi thấy các dấu hiệu của biểu hiện cúm như: sốt cao hơn 380C, ho, đau họng, đôi khi cảm thấy mệt mỏi, sổ mũi, đau nhức đầu, đau cơ,… Bệnh tự khỏi sau vài ngày, không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, trên một số đối tượng bệnh có thể có diễn tiến nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Cần chú ý các dấu hiệu trở nặng như sốt cao hơn, tức ngực, khó thở, tím tái, lừ đừ hay kích thích...