Không chủ quan với bệnh tay, chân, miệng

Bệnh tay, chân, miệng tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong tháng 9, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thành phố ghi nhận 6.573 ca bệnh cả nội trú và ngoại trú, tăng gấp hai lần số ca của tháng 8 (3.088), nhưng thấp hơn số ca bệnh tay, chân, miệng tháng 9 năm 2018 (7.862 ca).

Lũy kế, số ca bệnh trong chín tháng năm 2019 là 14.990 ca, thấp hơn 14% so cùng kỳ năm 2018 (17.430 ca) và không có ca tử vong. Chỉ có 16% số ca bệnh phải nhập viện điều trị, cho thấy hầu hết các trường hợp mắc bệnh tay, chân, miệng hiện nay đều ở mức độ nhẹ.

Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, bệnh tay, chân, miệng đang tăng theo mùa và diễn biến của bệnh tương tự như những năm trước. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc-xin phòng ngừa. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với người hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ vật, bề mặt nhiễm chất tiết của người bệnh. Do đó, cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên, bảo mẫu, phải rửa sạch bàn tay của trẻ và của chính mình bằng nước và xà phòng. Bên cạnh đó, việc rửa sạch đồ chơi, đồ dùng của trẻ bằng xà phòng cũng được khuyến khích.

Tuy nhiên, số ca mắc bệnh tăng nhanh trong tháng 9 vừa qua cho thấy, công tác giám sát bệnh, ý thức chăm sóc trẻ phòng ngừa bệnh tay, chân, miệng của phụ huynh cần được nâng cao hơn nữa. Hiện nay, ngoài hệ thống giám sát dịch tễ từ thành phố tới quận huyện, phường xã, Sở Y tế thành phố còn ký kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh các văn bản chỉ đạo địa phương triển khai chiến dịch phòng, chống bệnh tay, chân, miệng.

Theo đó, ngành giáo dục, cụ thể là các trường học phải tuân thủ việc kiểm soát bệnh truyền nhiễm thông qua điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh để cách ly kịp thời. Tuy vậy, trên thực tế, tại một số trường mầm non, giáo viên vẫn còn khá thờ ơ với công việc này. Nhiều giáo viên chưa hiểu hết những biểu hiện của trẻ khi mắc tay, chân, miệng là gì cho nên phát hiện bệnh chậm, khiến cho bệnh lây lan nhanh hơn. Trong khi đó, không ít phụ huynh vẫn chủ quan, “phó thác” mọi thứ cho nhà trường cho nên không sớm để ý những dấu hiệu mắc bệnh tay, chân, miệng của con mình.

Chính vì thế, ngoài khống chế các ổ dịch ngay từ đầu, việc đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả, thường xuyên nhằm nâng cao ý thức cho phụ huynh, giáo viên, bảo mẫu trong việc phòng ngừa bệnh tay, chân, miệng là điều luôn cần thiết. Đây là giải
pháp hiệu quả nhằm hạn chế bệnh lây lan cũng như giảm những ca bệnh nặng…