Hình thành ý thức trong tham gia giao thông

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ cao nhất cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc, kẹt xe diễn ra nhiều năm nay. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn có thể hạn chế, giảm bớt qua đó góp phần cải thiện tình hình giao thông của thành phố nếu mỗi một người dân khi tham gia giao thông đều nêu cao ý thức.

Tôi cũng là một người hằng ngày tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy. Mỗi lần dừng đèn đỏ hay gặp tình huống ùn tắc ở đoạn đường nào đó, tôi rút ra được một số nguyên nhân khiến tình hình ùn tắc, kẹt xe thêm nghiêm trọng là: Khi đèn đỏ hoặc đèn vàng đã bật nhưng nhiều người vẫn cố vượt qua. Phần nhiều trong số đó thường bị “mắc kẹt” giữa làn xe bên kia đã chuyển tín hiệu mầu xanh.

Nếu phương tiện vượt là ô-tô thì rất dễ dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài. Tiếp theo là người tham gia giao thông lấn làn xe khi lưu thông dẫn đến tình trạng “đối đầu” giữa các phương tiện. Đối với ô-tô, tình trạng cố ý dừng đậu xe sai quy định tại các tuyến đường đã có gắn biển cấm vẫn diễn ra thường xuyên, càng khiến ùn tắc giao thông nặng nề hơn. Mặc dù các hành vi này là vi phạm pháp luật nhưng tình trạng nêu trên vẫn tái diễn hằng ngày khiến những nỗ lực giảm tình trạng quá tải hạ tầng, ùn tắc, kẹt xe rơi vào tình trạng ngày càng khó khăn hơn.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, các hành vi dừng xe, đỗ xe sai quy định tùy theo mức độ có thể bị phạt từ 100 nghìn đồng tới 1,2 triệu đồng, đối với một số hành vi nghiêm trọng có thể bị phạt tiền lên tới 6 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng ngang nhiên dừng đậu ô-tô dưới lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên và ngay trên những trục đường lớn.

Bên cạnh việc xử phạt theo chế tài, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch, chương trình cụ thể để xây dựng, hình thành ý thức trong tham gia giao thông đối với các đối tượng tham gia giao thông, chú ý tới đối tượng là học sinh. Nhà trường và gia đình cần có phương pháp sớm hình thành cho các em ý thức chấp hành giao thông.

Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, là độ tuổi có tỷ lệ vi phạm rất cao trong tham gia giao thông, do đó đoàn thanh niên các địa phương, đơn vị cần có giải pháp để các bạn trẻ nêu cao ý thức, gương mẫu trước mọi người khi tham gia giao thông. Để tạo chuyển biến trong nhận thức, hành vi của mỗi một người dân là điều không thể thành công trong ngày một, ngày hai cho nên công tác này cần sự quan tâm, đầu tư thực hiện kiên trì với sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan, đơn vị để hình thành ý thức tham gia giao thông.