Hạn chế sử dụng túi ni-lông

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính mỗi năm, Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni-lông thải ra môi trường. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi ni-lông được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Ðây là thực trạng đáng báo động khi rác túi ni-lông gây ô nhiễm môi trường và hệ sinh thái, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, cản trở mục tiêu phát triển bền vững.

Nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông gây ô nhiễm môi trường, cuối tháng 7- 2019, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, các cơ quan, đơn vị hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy; đẩy mạnh việc tổ chức thu gom, tái chế chất thải nhựa, túi ni-lông trên địa bàn thành phố; tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị có hoạt động nhập khẩu, sản xuất, phân phối túi ni-lông khó phân hủy trên địa bàn thành phố và xử phạt theo quy định đối với các doanh nghiệp vi phạm về nộp thuế bảo vệ môi trường.

Thành phố cũng đề ra mục tiêu đến hết ngày 31-12-2020, toàn bộ hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách... sẽ sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy; các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.

Mặc dù các cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc hạn chế sử dụng, nhưng trên thực tế, túi ni-lông vẫn là vật dụng rất phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân. Hiện, trên địa bàn thành phố, mỗi ngày có khoảng 30 tấn ni-lông được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân. Ðến nay, các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng túi ni-lông tự hủy chỉ gói gọn trong việc thí điểm một số mô hình, chưa áp dụng đại trà do giá thành đắt hơn túi đựng thông thường.

Để tạo đột phá trong việc hạn chế dùng túi ni-lông, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân. Các doanh nghiệp cần có lộ trình giảm việc sản xuất túi ni-lông khó phân hủy, hoặc chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm tái chế. Cộng đồng xã hội và mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác hạn chế, tiến tới bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và góp phần bảo vệ môi trường. Khi đi chợ, nên sử dụng túi xách, làn tre hay nhựa sử dụng nhiều lần, dùng túi dễ phân hủy. Về phía chính quyền, cần tăng cường tuyên truyền ý thức người dân; đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng túi ni-lông tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhất là các chợ truyền thống.

Các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu đề xuất nâng mức thuế đối với sản phẩm túi ni-lông thông thường, giảm mức thuế đối với các sản phẩm túi ni-lông tự hủy nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Cần đưa ra quy định người dùng túi ni-lông phải trả phí như các quốc gia khác vẫn áp dụng để người dân điều chỉnh hành vi, hạn chế sử dụng túi ni-lông dùng một lần.

ANH TUẤN