Ðể xe buýt là phương tiện thân thiện

Xe buýt đã xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh gần 20 năm. Ðây được xem là phương tiện góp phần giảm tình trạng kẹt xe, ùn tắc của thành phố. Tuy nhiên, đến nay loại hình phương tiện công cộng này vẫn chưa phát huy được chức năng như mong muốn của chính quyền và người dân.

Thành phố hiện có hơn 10 triệu dân. Số lượng cư dân dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, với mức tăng 200 nghìn người/năm. Trong bối cảnh đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng, quy hoạch về mạng lưới xe buýt đã được triển khai và phủ rộng khắp thành phố. Người dân muốn đi đến bất cứ địa điểm nào cũng đều có thể chọn xe buýt làm phương tiện đi lại. Tuy nhiên, điều đáng nói là phương tiện này nhiều năm qua vẫn chưa phải là sự lựa chọn ưu tiên của người dân. Xe buýt hiện chỉ chiếm khoảng 10% lượng vận tải hành khách, đây là con số thấp so với quy mô và nhu cầu đi lại. Các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đã nhiều lần chỉ ra điểm hạn chế của thực trạng này là thiếu quỹ đất cho xe buýt phát triển. Thành phố có tổng chiều dài đường bộ là 4.391,9 km, nhưng chỉ có 1.827 km mặt đường đủ tiêu chuẩn cho xe buýt (bề rộng lớn hơn 7 m), tức là chỉ chiếm 42%. Trong khi ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, tỷ lệ này thường chiếm khoảng hơn 70%. Ngoài ra, các bến bãi quy hoạch cho xe buýt cũng đang thiếu hoặc không đồng bộ. Chất lượng dịch vụ trên xe buýt cũng là vấn đề đáng bàn: xe buýt cũ kỹ, xuống cấp chiếm số lượng lớn. Ðó là chưa kể thái độ phục vụ của một số tài xế, nhân viên còn tạo ra những hình ảnh tiêu cực khiến mục tiêu xây dựng thương hiệu “xe buýt thân thiện” của thành phố gặp nhiều trở ngại và khó khăn. Mặt khác, thành phố hiện có hơn 150 tuyến xe buýt trợ giá (khoảng 3.000 xe), mỗi năm trợ giá khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng kết quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian qua, sự phát triển của lượng xe công nghệ càng làm cho xe buýt gặp nhiều khó khăn hơn mặc dù giá vé xe buýt vẫn rẻ nhất trong các loại hình vận tải công cộng…

 Ðể xe buýt trở thành phương tiện gần gũi, thân thiện với người dân, các cơ quan chức năng cần quan tâm vấn đề nhân lực vận hành. Người dân cho rằng, nếu thái độ phục vụ của nhân viên tốt, nhiệt tình thì họ sẵn sàng sử dụng phương tiện vận tải công cộng này. Do vậy, ngành giao thông thành phố cần quan tâm đào tạo, xây dựng kỹ năng giao tiếp, phục vụ để người dân đi xe buýt luôn cảm thấy yên tâm, được giúp đỡ. Ngoài ra, đối với cuộc sống hiện đại, sử dụng công nghệ nhiều như hiện nay, các xe buýt cũng cần trang bị các thiết bị như ca-mê-ra, thiết bị theo dõi để kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhân viên phục vụ.

Một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, việc tập trung đông dân cư ở vùng lõi đô thị cũng là một nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Ðể thực hiện quy hoạch giãn dân và phát triển hệ thống xe buýt mi-ni (xe buýt kết nối), thành phố cần có các quy hoạch khu vực dân cư, đô thị phù hợp, khoa học, nhất là đối với các khu dân cư mới. Trong đó, dành diện tích đất cần thiết để xây dựng hạ tầng giao thông. Ðồng thời, để xe buýt không là gánh nặng gây ô nhiễm môi trường, phải có chiến lược thay thế toàn bộ xe buýt chạy bằng động cơ đi-ê-den sang động cơ tiêu chuẩn Euro 4 thân thiện với môi trường. Thống nhất về nhận diện thương hiệu xe buýt, ch ọn biểu tượng thương hiệu thật thân thiện với người dân. Ðể xe buýt thực hiện đầy đủ chức năng của mình, thành phố cần có giải pháp hạn chế lượng phương tiện cá nhân thông qua việc đánh thuế, thu phí lưu thông vào trung tâm,...