Để tương xứng là đô thị

Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình lên UBND thành phố về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh) giai đoạn 2021 - 2030.

Theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ chuyển thành quận; từ năm 2025 đến 2030, hai huyện Củ Chi và Cần Giờ sẽ chuyển thành quận (hoặc sẽ thành lập thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh). Cơ sở để Sở Nội vụ xây dựng đề án này là huyện Hóc Môn đã đạt đầy đủ tiêu chí về mặt trình độ phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng để chuyển thành quận; huyện Bình Chánh đạt 26 trong tổng số 30 tiêu chí; hai huyện Nhà Bè, Củ Chi đạt 23 trong tổng số 30 tiêu chí và huyện Cần Giờ đạt 19 trong tổng số 30 tiêu chí.

Việc chuyển các huyện ngoại thành thành quận, hoặc tiếp tục phát triển mô hình thành phố trong thành phố nhằm đô thị hóa toàn diện TP Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân là cần thiết, phù hợp xu thế phát triển mới. Nhiều năm qua, một số địa phương ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè… dù thực tế đã là đô thị nhưng vẫn là huyện nông thôn.

Chẳng hạn, ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, rộng 150 ha, gấp 1,5 lần diện tích phường Bến Thành (quận 1); dân số cả chục ngàn người, hơn rất nhiều phường tại các quận của thành phố. Trong địa phận ấp 4B có khu dân cư Trung Sơn (khu đô thị đầu tiên của TP Hồ Chí Minh), khu dân cư - biệt thự Him Lam, Vạn Thịnh Phát, Sadeco..., dự án Bệnh viện Mắt thành phố, khu Trung tâm Thể dục thể thao Tân Trung Sơn. Ngoài ra, còn có hơn 200 trụ sở công ty, cửa hàng, quán ăn trên khắp các tuyến đường. Hay tại ấp 2, xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn), cả ấp là nhà cao tầng nằm san sát. Trong điều kiện bình thường, các cửa hàng kinh doanh đồ điện, điện thoại di động, xe gắn máy, tiệm ăn, trụ sở công ty… ở đây lúc nào cũng hoạt động nhộn nhịp.

Việc có lộ trình chuyển những huyện có tốc độ đô thị cao thành quận là cần thiết. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn diện, thì thực tế tại các huyện như Bình Chánh, Nhà Bè hay Hóc Môn vẫn còn rất nhiều nơi hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của một đô thị. Huyện Bình Chánh vẫn còn đó các xã như Phạm Văn Hai, Bình Lợi... phần lớn vẫn còn rừng, ruộng, bờ kinh, khu dân cư thuần nông chưa phát triển. Tại Cần Giờ hay Củ Chi, có những nơi kéo dài cả cây số chỉ lác đác một vài nóc nhà với hạ tầng đường, trường, trạm đơn sơ… Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cũng đánh giá, trong số năm huyện ngoại thành hiện nay, chỉ có Hóc Môn là cơ bản đạt được các tiêu chí để chuyển thành quận.

Để thực hiện thành công đề án chuyển đổi các huyện ngoại thành thành quận hay thành phố trực thuộc TP Hồ Chí Minh, trước mắt, các địa phương nêu trên cần tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới... Ðồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại. Cần tạo các cơ chế, chính sách khuyến khích để huy động mạnh mẽ các nguồn lực của người dân, doanh nghiệp từ các địa phương khác và vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và các ngành nghề phi nông nghiệp. Mục đích chính là người dân cần được hưởng các điều kiện sống tốt nhất.