Để thu hút và giữ được người tài

Quyết định về chính sách thu hút phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt với các lĩnh vực thành phố có nhu cầu giai đoạn 2019-2022 vừa được UBND thành phố Hồ Chí Minh chính thức ban hành, có hiệu lực thực hiện từ ngày 15-7.

Trải qua nhiều lần được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến góp ý và phản biện, chính sách này được xem là khá hoàn chỉnh, bao hàm nhiều đối tượng người tài cần thu hút, thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, văn hóa với các chế độ đãi ngộ phù hợp, linh hoạt hơn so với một số quy định thu hút nhân tài được thành phố thực hiện trước đây.

Theo đó, ngoài nhận khoản trợ cấp ban đầu, nhà công vụ, nhận ưu đãi về tiền lương, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn được hưởng phụ cấp khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ. Mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến đổi mới kỹ thuật, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật… từ cấp thành phố và tương đương trở lên, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được hưởng phụ cấp khuyến khích cao nhất là một tỷ đồng/người/công trình (bằng 1% tổng ngân sách thành phố chi trả cho công trình đó). Tổng mức khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình. Căn cứ vào mức độ đóng góp, tầm cỡ thành tích, giải thưởng đạt được trong thời gian công tác theo hợp đồng thu hút đã ký với thành phố, người có tài năng đặc biệt sẽ được hưởng mức khuyến khích tương xứng công trạng cá nhân cao nhất là một tỷ đồng/người...

Những quy định, điều khoản, các điều kiện đi kèm trong chính sách vừa ban hành thể hiện rõ sự trân trọng, ghi nhận sự cống hiến mà thành phố dành cho các nhà khoa học, các chuyên gia, người có tài năng đặc biệt thông qua giá trị chất xám họ đã bỏ ra để thực hiện các chương trình, đề án mà thành phố có nhu cầu. Chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt nhằm tạo động lực mới trong phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao của thành phố là hết sức cần thiết, cần được thực hiện một cách linh hoạt và hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề được các đối tượng nêu trong quyết định quan tâm không kém chính là môi trường làm việc và cơ chế thực thi công việc bên cạnh yếu tố lương bổng, chế độ đãi ngộ. Một khi môi trường làm việc cởi mở, tiến bộ sẽ là điều kiện thuận lợi để người tài, các chuyên gia dễ dàng phát huy tốt nhất chuyên môn của mình. Nếu cơ chế thực thi công việc cứng nhắc và bị ràng buộc quá nhiều thủ tục hành chính chồng chéo thì không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của dự án hay công trình họ nghiên cứu, mà còn làm cho họ thiếu động lực, giảm nhiệt huyết…

Để thu hút, giữ chân người tài, gắn kết người tài thành một đội ngũ nhân lực "tinh nhuệ", từng cấp, từng ngành của thành phố phải chú trọng xây dựng môi trường làm việc thuận lợi; có cơ chế, chính sách thông thoáng, khích lệ sự sáng tạo để nguồn nhân lực phát triển đồng đều; người tài phải thật sự là "nam châm" thu hút đội ngũ trí thức, cộng sự làm việc và hợp tác bền chặt. Có như vậy, chính sách thu hút người tài mới phát huy hiệu quả và trở thành động lực cho đội ngũ trí thức trẻ có ý chí học hỏi, phấn đấu và tìm tòi sáng tạo. Bên cạnh đó, thành phố cần xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia đầu ngành, những người có tài năng đặc biệt nhằm củng cố và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ lâu dài cho sự phát triển của thành phố…