Để người dân đồng lòng chống rác thải nhựa

Chống rác thải nhựa là phong trào lớn được Chính phủ phát động. Hưởng ứng phong trào đó, TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều hoạt động, đồng thời khuyến cáo người dân chú ý sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vấn đề chống rác thải nhựa không thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn cho nên các hoạt động liên quan cần có những kế hoạch cụ thể, lâu dài để đi sâu vào ý thức, hình thành thói quen tốt ở mỗi công dân.

Bước vào năm học mới, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch hạn chế túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần. Hưởng ứng kế hoạch này, thầy trò nhiều trường học không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời tuyên truyền, vận động học sinh hạn chế rác thải nhựa. Ðó thật sự là một cách làm hay và hiệu quả để lan tỏa phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2021 mà UBND thành phố đã ban hành. Việc học sinh không bắt buộc dùng ni-lông để bọc vở, hạn chế sử dụng bút bi, ly uống nước dùng một lần,… là những giải pháp mà nhiều trường đang hướng dẫn và kêu gọi học sinh hưởng ứng. Có thể đơn cử, trung bình mỗi tháng một học sinh sử dụng ba bút bi, một năm học, mỗi học sinh sẽ dùng khoảng 20 bút bi. Cả nước có khoảng 8,2 triệu học sinh, thì sau mỗi năm học sẽ có 164 triệu bút bi thải ra môi trường, tương đương hơn 1.000 tấn rác thải nhựa. Nếu thay bút bi bằng bút chì khi viết nháp, làm bài tập, ghi chú thích; thay bút bi nhựa bằng bút bi kim loại có thể thay lõi hoặc bút bi vỏ tre, giấy, gỗ sẽ là giải pháp tốt hơn và bảo vệ môi trường một cách bền vững...

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch cắt giảm sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tập trung kiểm soát ô nhiễm môi trường về rác thải nhựa, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất túi ni-lông khó phân hủy, đồ dùng nhựa. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết liệt thực hiện phong trào này bằng việc không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp để mua các sản phẩm nhựa dùng một lần. UBND thành phố cũng yêu cầu đến hết ngày 31-12-2020, tất cả hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… sử dụng bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy;… Ðược biết tại TP Hồ Chí Minh, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày, trong đó chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Trong bối cảnh dân số thành phố tăng nhanh, đây vẫn sẽ là bài toán khó nếu vấn đề về sử dụng sản phẩm nhựa không được kiểm soát.

Phong trào chống rác thải nhựa đang được các cơ quan chức năng, người dân thành phố hưởng ứng rất tích cực. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền rộng khắp để người dân thấy được tác hại của việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần đối với môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân về lâu dài. Mặt khác, vì một môi trường sống bền vững, việc sử dụng sản phẩm nhựa cần có những quy định, chế tài cụ thể đối với mỗi người, doanh nghiệp trong sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Những chính sách, biện pháp đưa ra càng cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi đô thị, địa phương thì tính khả thi và hiệu quả sẽ càng cao hơn.