Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”

Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, sự tham gia của quần chúng nhân dân có vai trò quan trọng. Vụ việc nhóm “hiệp sĩ đường phố” bị sát hại khi đang thực hiện truy bắt những đối tượng trộm xe máy trên địa bàn quận 3 vừa qua, một lần nữa cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống, trấn áp tội phạm không thể thiếu vai trò của quần chúng nhân dân.

Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là một trong những hình thức tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự ngay tại địa bàn dân cư, trên từng đường phố, trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp...; tạo thế chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh trấn áp ngay khi các hành vi vi phạm pháp luật mới manh nha hoặc hành vi phạm tội vừa xảy ra. Mặt khác, từ những nguồn tin tố giác tội phạm do quần chúng nhân dân cung cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở triển khai các biện pháp nghiệp vụ; lập các chuyên án đấu tranh, phá án đạt kết quả cao. Không ít trường hợp người dân còn trực tiếp bắt quả tang, giao cho công an các đối tượng phạm tội, nhất là các đối tượng trộm cắp, cướp giật, thu hồi tài sản trả lại người bị hại...

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội, đồng thời là địa phương triển khai hiệu quả thế trận an ninh trật tự toàn dân. Những năm qua, với nhiều hình thức như thành lập các nhóm hộ tự quản tại tổ dân phố; “Tổ xe ôm tự quản” ở các khu phố, phường, xã; “Tổ ngành hàng tự quản về an ninh trật tự” của tiểu thương các chợ ; “Nghiệp đoàn, tổ bốc xếp tự quản về an ninh trật tự” ở các bến xe, chợ đầu mối; lắp đặt ca-mê-ra quan sát an ninh trật tự... cùng với tuyên truyền vận động nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm của người dân... đã góp phần làm cho phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, phong trào phát triển không đồng đều, có địa phương mới chỉ “phát” nhưng chưa “động”; nhiều địa bàn dân cư chưa huy động được đông đảo quần chúng tham gia, cho nên chưa đạt kết quả như mong muốn.

Huy động sức mạnh của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh với các loại tội phạm nhằm bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Do vậy, đối tượng tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" là tất cả các tầng lớp nhân dân cùng tham gia phát hiện, tố giác cũng như trực tiếp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm.

Để phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phát huy hiệu quả cao, yêu cầu đặt ra là làm thế nào để người dân nâng cao ý thức tự nguyện, tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm có ý nghĩa quan trọng. Công tác này đòi hỏi công an các địa phương phải thường xuyên bám sát địa bàn, kịp thời thông tin tình hình an ninh trật tự, phương thức hoạt động của các đối tượng tội phạm. Phối hợp các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương; ban điều hành; Ban công tác Mặt trận khu phố, xóm ấp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu trách nhiệm và nhất là lợi ích thiết thực cho từng người, từng gia đình cũng như cộng đồng, xã hội khi mọi người cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Đây là những giải pháp phòng ngừa xã hội, đồng thời cũng là những giải pháp mang tính nghiệp vụ cao trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.