Cụ thể hóa chính sách và môi trường làm việc cho người tài

Đề án về Chính sách thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực mà TP Hồ Chí Minh có nhu cầu (giai đoạn 2018 - 2022) vừa được Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các giới, các tầng lớp nhân dân trên cơ sở nội dung do các sở, ngành chuyên môn xây dựng. Đề án này nhằm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh cũng như đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố.

Thời gian qua, thành phố thường xuyên quan tâm, chú trọng thu hút nhân tài trên các lĩnh vực mũi nhọn. Tuy nhiên, việc phát hiện, bồi dưỡng và đãi ngộ chưa đạt được nhiều kết quả đột phá, chưa đủ sức giữ chân được các nhân tố tài năng xuất sắc, tiêu biểu. Hiện nay, thành phố rất cần người tài để bổ sung nguồn cán bộ, chuyên gia, trí thức có chuyên môn sâu, có năng lực tư duy chiến lược và lực lượng văn nghệ sĩ có kỹ năng, kỹ xảo chuyên nghiệp đủ sức gánh vác những trọng trách mà chính quyền và nhân dân thành phố tin tưởng, kỳ vọng. Không chỉ tìm kiếm, phát hiện nhân tài trong cả nước. Đề án còn góp phần thực hiện hiệu quả việc mời gọi, khơi gợi tinh thần cống hiến, hướng về quê hương của đội ngũ trí thức, tài năng trẻ người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài.

Hầu hết các chuyên gia, các nhà khoa học và giới văn nghệ sĩ đều đồng tình với chủ trương xây dựng Đề án của thành phố. Nếu Đề án được ban hành, đó còn là giải pháp kịp thời và cần thiết giúp thành phố triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù, xứng tầm là đô thị “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Tuy nhiên, nội dung của Đề án còn bộc lộ không ít hạn chế, còn chung chung, chưa cụ thể, chưa nêu bật được chính sách, cơ chế thu hút người tài. Một nhà khoa học có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ, đặc thù của nhân lực về khoa học và công nghệ rất khác biệt so với nhân lực về văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, do đó không nên ghép chung một cách khiên cưỡng các đối tượng cần thu hút vào một đề án. Nội dung Đề án có xu hướng nghiêng về nhóm nhân lực khoa học và công nghệ chứ chưa thể hiện được nhiều đặc thù của nhóm nhân lực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao.

Cần huy động các cấp, ngành chung tay thực hiện, để sản phẩm do các chuyên gia, nhà khoa học tạo ra phải mang tính định lượng, tương xứng mức độ “tài năng đặc biệt”, thể hiện mức độ vượt trội của người có tài năng mà rất ít người thực hiện được.

Về mức thù lao cho người có “tài năng đặc biệt” nêu trong Đề án, một số chuyên gia băn khoăn, nếu đã là nhân tài có tài năng đặc biệt thì thù lao cũng phải... đặc biệt. Đề án cũng cần bổ sung thêm chính sách khác để bảo đảm “giữ chân” người có tài năng đặc biệt, không chỉ là điều kiện về nhà ở công vụ, hỗ trợ về sinh hoạt phí…

Nhiều ý kiến đề xuất thành phố không nên hành chính hóa trong quy trình thu hút nhân tài, người có “tài năng đặc biệt”. Nếu đã là người tài thì không cần thi tuyển, xét tuyển mà chính quyền, sở, ngành phải mời, kêu gọi họ tham gia, cống hiến. Người có “tài năng đặc biệt” nhiều khi không quan tâm đến tiền lương, chế độ công tác phí, nhà ở và các chính sách khác mà chủ yếu họ mong muốn sự trân trọng, cầu thị, lắng nghe của cấp có thẩm quyền cũng như tạo một môi trường làm việc ổn định, điều kiện tốt để họ phát huy kiến thức, năng lực, biến ý tưởng thành hiện thực.

Huy động sự đóng góp trí lực, chất xám của những tài năng đặc biệt luôn cần thiết và cần bắt tay triển khai thực hiện ngay. Vấn đề được dư luận và người dân kỳ vọng là thành phố có chính sách đúng, tránh hình thức, chung chung và tạo môi trường làm việc thật phù hợp để phát huy sức sáng tạo, cống hiến của đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tạo ra động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển.