Công tác phân luồng học sinh cần thực chất hơn

Nhiều năm qua, ngành giáo dục đã đẩy mạnh thực hiện Ðề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025". Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giáo dục hướng nghiệp học sinh phổ thông ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Hiện nay, tỷ lệ học sinh chọn ngành, nghề chưa đúng với sở trường, năng lực của bản thân, chưa phù hợp yêu cầu và xu thế phát triển nghề nghiệp của xã hội còn khá cao. Cùng với đó, sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm; tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" ngày càng phổ biến...

Hằng năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) TP Hồ Chí Minh đều phối hợp các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ngày hội "Thanh niên với nghề nghiệp" thu hút hàng chục nghìn thanh niên, học sinh phổ thông, học sinh trung học cơ sở (THCS) tham gia. Ngày hội được tổ chức tại từng khu vực quận, huyện, từng trường phổ thông… để tuyên truyền sâu rộng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới các trường chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập của thành phố đều có những bước phát triển; quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, cơ sở vật chất được bổ sung, xây dựng. Ðội ngũ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao về trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn… góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh phổ thông vào các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Ðẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, 100% các trường THCS trên địa bàn thành phố đều có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với thông tin ngành nghề, xu hướng thị trường lao động, nhất là các ngành nghề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 để định hướng phân luồng học sinh. Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS đang được ngành giáo dục thành phố gợi mở theo bốn hướng: Học tiếp lên trung học phổ thông (THPT) công lập hoặc ngoài công lập; học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; đi du học…

Ở bình diện chung, công tác phân luồng học sinh tại thành phố nhiều năm qua giúp nhận thức xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Số học sinh vào học các trường dạy nghề sau THCS tăng qua từng năm: Năm học 2014 - 2015, hơn 4.000 học sinh; năm 2015 - 2016 hơn 5.200 học sinh; năm 2016 - 2017 gần 5.900 học sinh; năm 2017 - 2018 khoảng 6.200 học sinh và năm 2018 - 2019 hơn 6.400 học sinh. Tuy nhiên, con số đạt được vẫn còn thấp so với yêu cầu, mong muốn.

Hằng năm, thành phố vẫn thiếu hàng chục nghìn lao động có tay nghề, chuyên môn cao, nhưng số sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn ngày càng tăng, gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông chưa thật sự đi vào thực chất, chưa tạo được sự lan tỏa trong xã hội…

Thời gian tới, hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh cần đổi mới phương pháp, hình thức để học sinh, phụ huynh hiểu rõ lợi ích khi theo học các trường đào tạo nghề nghiệp. Ðồng thời, phải nhận thức rõ việc phân luồng học sinh không chỉ là vấn đề riêng của ngành giáo dục, mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cả cộng đồng…