Công khai các chung cư không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách tám chung cư chưa được nghiệm thu an toàn PCCC nhưng đã đưa hàng nghìn hộ dân vào ở (tổng cộng 1.637 căn hộ đã có dân ở). Theo một cán bộ PCCC, đây là hành động coi thường tính mạng của người dân, coi thường quy định của pháp luật... cần được xử lý nghiêm khắc.

Trong tám chung cư vi phạm, có hai chủ đầu tư khi bị phát hiện sai phạm thiếu thiện chí hợp tác, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Công ty TNHH Nguyễn Quyền (chủ đầu tư Nguyễn Quyền, đường Phan Anh, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) mắc hàng loạt sai phạm: chưa nghiệm thu PCCC đã đưa 300 hộ dân vào ở từ tháng 1-2013. Từ năm 2013 đến nay, Cảnh sát PCCC đã 14 lần kiểm tra và lập 14 biên bản vi phạm hành chính tại chung cư này về các lỗi liên quan đến an toàn PCCC; ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với chung cư Nguyễn Quyền từ tháng 7-2013; Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng, UBND quận Bình Tân nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ, yêu cầu khắc phục các sai phạm... Chung cư Bảy Hiền Tower (số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình) do Công ty TNHH Long Hưng Phát làm chủ đầu tư đưa 74 hộ dân vào ở từ tháng 7-2016 dù chưa đủ điều kiện an toàn PCCC...Tuy nhiên, khi bị phát hiện, chủ đầu tư “không có thiện chí hợp tác khắc phục sai phạm và làm khó cơ quan chức năng”...

Sẽ khó thuyết phục người dân đồng thuận nếu cho rằng tám chung cư nêu trên dù có nhiều sai phạm, vẫn ngang nhiên hoạt động là do chế tài chưa đủ sức răn đe. Người dân có quyền đặt nghi vấn có hay không sự bao che, dung túng của đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp từ thành phố đến địa phương? Hay đó là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí vô cảm của một số cán bộ chức năng khi thiếu quan tâm kiểm tra, xử lý? Luật PCCC đã quy định khá rõ: Để xảy ra tình trạng các chung cư chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã cho các hộ dân vào ở là trách nhiệm về quản lý của UBND các cấp liên quan, Phòng Cảnh sát PCCC chưa quyết liệt buộc bên vi phạm thi hành quyết định xử phạt hành chính và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục, thực hiện đúng quy định. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị PCCC do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động PCCC, để xảy ra cháy thì tùy tính chất, mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đã đến lúc cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan thực thi kiểm tra PCCC. Thí dụ, cần quy định cụ thể rằng những người kiểm tra hệ thống PCCC của chung cư sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra. Đối với chủ đầu tư, nếu phát hiện chủ đầu tư nào cho người dân vào ở khi hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu thì phải xử lý nghiêm kể cả về mặt pháp luật, tránh tình trạng vừa cho dân vào ở, vừa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu PCCC. Đồng thời, cần quy định chủ đầu tư phải cung cấp cho người dân giấy chứng nhận về PCCC khi bàn giao nhà. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần phân loại và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông các chung cư bảo đảm PCCC và các chung cư không bảo đảm để người dân được biết. Từ đó, người dân sẽ đề nghị chủ đầu tư khắc phục lỗi PCCC hoặc ít nhất là người dân có phương án dự phòng nếu xảy ra cháy.

Chỉ khi cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp, cộng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức về PCCC của người dân thì mới bảo đảm an toàn cháy nổ ở các chung cư.