Chưa triệt tận gốc nạn "xe dù, bến cóc"

Hơn nửa tháng nay, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông (CSGT, TTGT) thành phố buộc phải lập chốt kiểm tra hai bến "xe dù" tại địa chỉ 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, vì hai địa điểm này có hoạt động đón, trả khách trái phép công khai, tồn tại hàng chục năm qua ngay cạnh khu vực Bến xe Miền Đông mà chưa bị xử lý…

Hiện, trên địa bàn thành phố, không ít địa điểm có hoạt động xe ô-tô đón, trả khách sai quy định như vậy vẫn tồn tại, phần lớn tập trung ở quận 5, 11, Tân Phú, Bình Tân gây mất an ninh trật tự và cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải đúng pháp luật... Thực tế cho thấy, cứ mỗi dịp lễ, Tết hay có đợt ra quân cao điểm kiểm tra về trật tự an toàn giao thông thì các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử phạt nhưng kết quả xử lý dường như chỉ xong phần ngọn. Vậy nguyên nhân khúc mắc do đâu?

Trước tiên, đối với lực lượng kiểm tra chuyên ngành như TTGT chỉ có thể phối hợp với lực lượng CSGT quản lý địa bàn ra lệnh tạm dừng để kiểm tra phương tiện, chủ xe khi phương tiện đang lưu thông trên đường; không thể tổ chức kiểm tra trong bãi đỗ xe (thí dụ như hai bãi xe ở địa chỉ 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh). Ngoài ra, công tác kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vi phạm về đón, trả khách cho thấy, thông thường các tài xế khi thấy "động" liền đối phó lực lượng kiểm tra bằng cách chạy xe rỗng từ bãi đỗ xe ra bên ngoài, sau đó kiếm một vài địa điểm thuận lợi như cây xăng, chỗ trống sẽ hẹn khách rước lên xe. Hình thức đối phó này khiến lực lượng kiểm tra bị động, khó đeo bám tận nơi... Như vậy, hiệu quả kiểm tra và xử phạt của lực lượng chuyên ngành không triệt để, chưa giải quyết được tận gốc vi phạm.

Về phía chính quyền địa phương, trong trường hợp này là UBND quận Bình Thạnh, chịu trách nhiệm cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp kinh doanh bãi giữ xe, đưa ra lập luận: Quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô chỉ có cơ sở xử phạt người điều khiển xe, chủ xe hoặc đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm, mà không thể xử phạt đơn vị kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (cho thuê xe, bãi giữ xe). Chính quyền quận này cũng cho rằng, trường hợp đơn vị hoạt động với hình thức vận tải hành khách theo hợp đồng, có ký kết hợp đồng thỏa thuận điểm đón, trả khách tại số 391 và 397 Đinh Bộ Lĩnh thì chỉ có thể xử phạt khi có căn cứ xác định việc đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày (trong khi trên thực tế hoạt động này lại không thường xuyên...).

Lý giải của cơ quan chức năng, lực lượng thanh tra, kiểm tra và chính quyền địa phương cho thấy, từng đơn vị đều làm đúng quy định, thẩm quyền nhưng thực tế, công tác phối hợp chưa chặt chẽ, từ đó tạo kẽ hở cho các tài xế và chủ phương tiện vi phạm; không tuân thủ các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Cần nhìn nhận rằng, hiện nay quy định thành lập doanh nghiệp kinh doanh bến bãi không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng xin giấy phép đăng ký kinh doanh từ cấp địa phương hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư, mà không cần qua thẩm định của đơn vị chuyên môn là Sở Giao thông vận tải (GTVT) (điều kiện bảo đảm an toàn giao thông, trật tự giao thông, hạ tầng…). Do đó, Sở GTVT cùng các sở, ngành chuyên môn cần rà soát lại cơ sở pháp lý, những lỗ hổng về cấp phép kinh doanh, qua đó kiến nghị các bộ, ngành Trung ương đưa loại hình kinh doanh bến bãi vào loại hình có điều kiện để có cơ sở kiểm tra, xử phạt, thậm chí rút giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm. Tuy nhiên, cùng với những quy định hiện hành, chỉ cần Sở GTVT thành phố, lực lượng TTGT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền địa phương chịu "bắt tay" hậu kiểm giấy phép, truy tận gốc các hành vi vi phạm, tổ chức kiểm tra thường xuyên... thì sẽ xóa được nạn "xe dù, bến cóc", lập lại trật tự an toàn giao thông, tạo bộ mặt đô thị văn minh.