Chú trọng giải pháp phi công trình trong công tác chống ngập

Kết quả giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai thực hiện các dự án chống ngập trên địa bàn vừa được báo cáo tại kỳ họp HÐND thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 15 (khóa 9), được nhiều đại biểu quan tâm. Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 là một trong bảy chương trình trọng điểm được Ðại hội Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh (khóa 10) đề ra.

Theo đó, khối lượng thi công các dự án và công trình chống ngập đến thời điểm hiện nay chỉ mới đạt dưới 60% so với kế hoạch của giai đoạn 2016 - 2020. Các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn, giải quyết chống ngập cho cả khu vực cũng khó "về đích" đúng hẹn vì gặp nhiều vướng mắc. Thí dụ, Dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với kinh phí đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng đã nhiều lần lỗi hẹn vì nhiều nguyên nhân, trong đó vướng mắc lớn nhất là địa phương chưa bàn giao xong mặt bằng cho chủ đầu tư. Hay như Dự án xây dựng bốn đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Ðức thuộc bờ tả sông Sài Gòn chưa được thông qua kế hoạch sử dụng đất năm 2019 cho nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cũng rất chậm: Mới hoàn thành hai trong số bảy nhà máy, đạt 28,57% so với chỉ tiêu của giai đoạn 2016 - 2020…

Tình trạng chậm trễ hoàn thành các dự án, công trình chống ngập là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng vào mùa mưa kéo dài nhiều năm trên địa bàn thành phố.

Bản chất của vấn đề ngập úng đô thị chính là việc hình thành các khu dân cư, các công trình xây dựng mới nhưng hạ tầng giao thông và hạ tầng thoát nước không bảo đảm yêu cầu. Quy hoạch thoát nước chung của các quận, huyện đã được phê duyệt nhưng nhiều trục thoát nước chính của thành phố (hệ thống cống, mương thoát nước và sông, kênh, rạch) chưa được đầu tư xây dựng, hoặc chỉ được đầu tư cải tạo theo hiện trạng, dẫn đến việc kết nối hệ thống thoát nước có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chưa bảo đảm theo quy hoạch, nhất là tại khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện.

Bên cạnh đó, một số công trình chống ngập đã hoàn thành nhưng chưa có đơn vị quản lý, khai thác vận hành cho nên chưa phát huy hiệu quả; công tác duy tu, bảo dưỡng vẫn còn hạn chế do thiếu kinh phí. Thậm chí, một vài dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành nhưng khi đưa vào sử dụng lại làm phát sinh điểm ngập mới, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng vứt rác thải bừa bãi bịt kín các hố ga thoát nước làm hạn chế dòng chảy chưa được cơ quan chức năng mạnh tay xử lý…

Để công tác chống ngập được thực hiện đồng bộ, thành phố cần làm rõ trình tự ưu tiên, phân kỳ thực hiện, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án chống ngập quan trọng nhằm sớm phát huy hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải. Cần bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý xây dựng và bảo vệ môi trường đô thị liên quan hệ thống thoát nước, các công trình thuộc chương trình giảm ngập nước trên địa bàn thành phố; rà soát, đánh giá và ban hành chính sách quản lý đối với các cửa xả, cống thoát hiện hữu do tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng dọc theo các tuyến đê, kè.

Phần lớn người dân thành phố mong muốn các ngành chức năng xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm cửa xả, hành lang an toàn sông, kênh rạch; rà soát, kiểm tra các dự án có san lấp rạch bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật. Chú trọng xây dựng hệ thống hồ điều tiết ở những khu vực công cộng để thu trữ lượng nước mưa và nước thải tránh tình trạng ngập úng kéo dài.

Cùng với đó, chú trọng hơn nữa các giải pháp phi công trình như tổ chức cập nhật, tập hợp, số hóa các thông tin hiện trạng về hệ thống hạ tầng thoát nước, cao độ nền, điều kiện địa chất, thủy văn để làm cơ sở cho việc dự báo, mô phỏng hoạt động, đánh giá hiệu quả các dự án được nhanh chóng, chính xác. Tăng cường ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ cao, công nghệ thông minh vào việc dự báo, mô hình hóa, mô phỏng hoạt động và đánh giá hiệu quả các dự án để có quyết định đầu tư phù hợp…