Chấm dứt hành vi hát ka-ra-ô-kê bằng loa di động

Tại phiên thảo luận tổ trong kỳ họp thứ 20 của HÐND thành phố Hồ Chí Minh khóa 9 vừa diễn ra, một số đại biểu đã nêu lên vấn đề tưởng không mới nhưng vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn của người dân, đó là làm sao xử lý được tình trạng hát ka-ra-ô-kê bằng loa di động (loa kẹo kéo) gây ồn ào trong khu dân cư. Dù đã có những chế tài xử lý vi phạm, nhưng tình hình vẫn chưa thật sự chuyển biến.

Thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng hát ka-ra-ô-kê với dàn âm thanh di động công suất lớn khá phổ biến trong các buổi tiệc tại các gia đình, trên vỉa hè, trong các khu phố, khu dân cư từ ngoại thành đến nội ô. Tiếng ồn lớn từ dàn âm thanh này "tra tấn" người nghe bất kể sớm, trưa, chiều, tối, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt của những người chung quanh. Từ lâu, tình trạng này gây bức xúc trong cộng đồng nhưng người dân không thể tự giải quyết, từ đó phát sinh mâu thuẫn dẫn đến cãi vã và hành động đáng tiếc làm mất "tình làng, nghĩa xóm", thậm chí dẫn đến án mạng. Tháng 4 vừa qua, tại một khu nhà trọ ở huyện Bình Chánh, một người đàn ông bị hàng xóm đâm chết do nhắc nhở hát ka-ra-ô-kê gây ồn. Ðiều đáng nói, đây không phải là trường hợp cá biệt.

Hiện, hành lang pháp lý để xử lý vi phạm hoạt động ka-ra-ô-kê gây tiếng ồn lớn đã được Chính phủ, chính quyền thành phố ban hành. Nghị định 167/2013/NÐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ "quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình" nêu rõ: Hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, phải chịu xử phạt hành chính. Nghị định 179/2013/NÐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ "về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường" cũng nêu rõ: Người vi phạm các quy định về tiếng ồn có thể bị phạt mức cao nhất đến 160 triệu đồng.

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quy chế về quản lý hoạt động ka-ra-ô-kê và nhạc sống. Từ năm 2018, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện cung cấp đường dây nóng để người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời, thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp xử lý tin báo của người dân.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc xử lý tình trạng nêu trên vẫn chưa hiệu quả. Sự thiếu quyết liệt và thiếu phối hợp đồng bộ của các sở, ngành và chính quyền địa phương khiến việc xử lý vi phạm như "bắt cóc bỏ dĩa". Phần lớn các hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư chỉ bị xử phạt về an ninh trật tự, còn việc xử phạt về việc gây tiếng ồn theo quy định chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Không bị xử lý nghiêm khắc, hát ka-ra-ô-kê bằng loa kẹo kéo vẫn tiếp tục tồn tại, gây phiền toái cho nhiều người…

Vì cuộc sống yên lành chung của hầu hết người dân, sự đồng lòng vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là rất cần thiết. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền đến từng người dân, cần phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Việc Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị đưa nội dung cam kết không hát ka-ra-ô-kê bằng loa kẹo kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp để từ đó nhắc nhở người dân tự giác thực hiện rất cần được triển khai hiệu quả…