Cần xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại

Hiện nay, hành vi buôn bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái một số thương hiệu nổi tiếng vẫn tồn tại dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần xử lý.

Một trong những nguyên nhân chính là lợi nhuận thu lại rất lớn từ các loại hàng "dỏm". Dạo một vòng quanh khu vực trung tâm thành phố sẽ thấy sự nhộn nhịp của việc kinh doanh loại hàng này. Ðơn cử, tại chợ Bến Thành và Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (quận 1), hàng loạt cửa hàng bày bán công khai các sản phẩm như đồng hồ, ví, túi xách giả nhãn hiệu của các hãng Rolex, Dior, Gucci, LV, Chanel, Hermes,… Các chủ cửa hàng không ngại ngần thừa nhận hành vi buôn bán này là trái quy định, nhưng với việc kinh doanh "một vốn bốn lời" cho nên vẫn bày bán, quảng bá công khai. Gần đây, với sự nở rộ quảng cáo trên các trang mạng xã hội, nhiều cơ sở kinh doanh này đã nhanh chóng tiếp cận để bán được nhiều hàng giả hơn. Mỗi lần bán trực tuyến (livestream), các cơ sở đã thu hút hàng nghìn lượt người xem, chia sẻ và hỏi mua. Người tiêu dùng dường như không thể biết được mình đang xem và mua phải những hàng giả nhãn hiệu lớn. Thậm chí, có cửa hàng còn quảng cáo nhận giao loại hàng giả này đi toàn thế giới…

Nền tảng in-tơ-nét đã mở rộng cơ hội kinh doanh cho các cơ sở, doanh nghiệp và người bán hàng hóa chân chính. Tuy nhiên, đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… lợi dụng. Nhiều người vì mua hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực trạng này càng thấy rõ hơn trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua khi nhiều đối tượng, cơ sở kinh doanh đã lợi dụng nhu cầu thực tế của người dân để "tuồn" một lượng lớn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Ðó là một khoảng trống mà các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp để chấn chỉnh, quản lý, xử lý một cách hiệu quả…

Để các cơ sở, cửa hàng buôn bán, kinh doanh hàng gian, hàng giả không còn "đất sống", các đơn vị nghiệp vụ, công an các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra, phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác; nhất là các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, nâng giá, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cần kiên quyết hơn nữa trong việc điều tra, khởi tố nhanh những vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, giám sát về điều kiện hoạt động thương mại điện tử, các hình thức kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để mua bán hàng hóa giả mạo nhãn mác.

Ðối với người tiêu dùng, cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng về tìm hiểu thông tin sản phẩm; nhận diện được các hành vi lừa gạt để có thể mua đúng sản phẩm…