Cần giải pháp quản lý phù hợp đối với xe công nghệ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản chấp thuận cho hai ứng dụng gọi xe công nghệ là GoCar (Công ty TNHH Thương mại công nghệ GoViet) và FastGo (Công ty cổ phần FastGo Việt Nam), được phép thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Thông báo chấp thuận này được ban hành trên cơ sở đề xuất của UBND thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp cơ quan chức năng có điều kiện quản lý mô hình hoạt động gọi xe công nghệ, trên cơ sở đó yêu cầu doanh nghiệp (DN) thực hiện nghiêm túc các quy định về đóng thuế cho Nhà nước và các chính sách liên quan.

Theo thống kê của Sở GTVT thành phố, hiện nay trên địa bàn thành phố có từ tám đến 10 ứng dụng gọi xe công nghệ đang hoạt động, riêng GoViet và FastGo cũng đã xuất hiện tại thành phố gần một năm qua, được người dân lựa chọn sử dụng như một nhu cầu tất yếu trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Nếu xét đến yếu tố tiện và lợi cho người tiêu dùng, ứng dụng gọi xe công nghệ rõ ràng chiếm ưu thế hơn so với loại hình ta-xi truyền thống vì đặc thù của loại hình này là nhanh chóng, nâng cao sự tương tác, điều quan trọng người tiêu dùng được chủ động lựa chọn loại hình sản phẩm để sử dụng. Tuy nhiên, dưới góc độ điều hành và quản lý thì tình trạng "bùng nổ" xe công nghệ lại đặt ra nhiều vấn đề cần được chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng tính toán, hoạch định chủ trương, chính sách cũng như có giải pháp quản lý phù hợp.

Số liệu của công an thành phố công bố cho thấy, thành phố hiện có hơn 520 nghìn xe ô-tô, trong đó ô-tô con chiếm gần 70% với 330 nghìn chiếc. Ðáng lưu ý, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ô-tô con cao hơn xe máy. Từ năm 2011 đến 2018, ô-tô con tăng trưởng trung bình khoảng 11,5%/năm, còn xe máy chỉ 6,5%/năm. Một trong những nguyên nhân khiến số lượng xe ô-tô con tăng nhanh trong vài năm gần đây theo lý giải của cơ quan chức năng một phần, do xuất hiện loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử như Grab, Uber... cho nên chủ phương tiện mua xe và đăng ký chạy xe công nghệ, kể cả người ở tỉnh, thành phố lân cận TP Hồ Chí Minh cũng đưa xe lên thành phố chạy xe công nghệ vì họ xem đây là một nghề kiếm sống… Với hơn tám triệu xe máy hiện có trên địa bàn thành phố cộng với việc gia tăng nhanh phương tiện ô-tô con, đã góp phần đè nặng và tạo áp lực thêm cho giao thông thành phố dẫn đến tình hình lưu thông đi lại hết sức khó khăn, tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm diễn ra thường xuyên.

Xu hướng xuất hiện các mô hình, giải pháp kinh doanh mới, trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải phù hợp quy định và được pháp luật điều chỉnh là điều tất yếu. Tuy nhiên, để có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm soát phương tiện cá nhân một cách hiệu quả, Bộ GTVT cùng các cơ quan chức năng thành phố cần xây dựng lộ trình quản lý xe ứng dụng công nghệ trên cơ sở dự báo một cách khoa học, tránh tình trạng cấp phép đại trà, cào bằng nhằm khống chế số lượng phương tiện tham gia thí điểm. Ngoài ra, thành phố cũng đang xây dựng Ðề án kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trong đó có cả xe ô-tô con, cho nên việc cấp phép cho các DN kinh doanh ứng dụng công nghệ hoạt động cần gắn với mục tiêu của đề án, để chủ trương kiểm soát phương tiện cá nhân được thực hiện đồng bộ, khuyến khích người tham gia giao thông hướng tới sử dụng phương tiện giao thông công cộng, xây dựng phát triển thành phố văn minh, hiện đại.