Cần di dời các điểm tập kết rác ra khỏi khu dân cư

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện nay lượng chất thải rắn (rác thải) của thành phố đạt ngưỡng 9.000 tấn mỗi ngày. Ðể giải quyết, xử lý khối lượng rác khổng lồ này, mỗi năm ngân sách thành phố chi ra khoảng 4.000 tỷ đồng, chưa kể khoản tiền các hộ dân chi trả hằng tháng cho dịch vụ thu gom rác. Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý rác vẫn chưa đạt được như mong muốn của người dân. Không ít khu vực dân cư phải sống chung với bãi rác, chịu đựng mùi hôi, ô nhiễm từ rác thải.

Thí dụ, bãi tập kết rác ở khu phố 6, phường Hiệp Thành, quận 12. Bãi rác này thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12, xuất hiện khoảng 10 năm nay và quy mô ngày càng lớn, có vị trí sát mặt đường giao thông, chung quanh là khu dân cư sầm uất. Tại bãi rác, rác thải các loại chồng chất khá cao nhưng không được che chắn, ít được phun hóa chất khử mùi cho nên gây ô nhiễm nặng nề. Người dân sống quanh bãi rác phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc, gần như phải đeo khẩu trang suốt ngày. Mùa nắng ngột ngạt. Mùa mưa lại đối mặt với nước bẩn, ruồi, muỗi… bao vây. Người dân nhiều lần kiến nghị, phản ứng gay gắt với chính quyền địa phương nhưng bãi tập kết rác vẫn hoạt động rác mỗi ngày một nhiều hơn, gây đảo lộn sinh hoạt của người dân.

Ở nhiều quận, huyện khác, nhất là các địa phương vùng ven, tình trạng các điểm tập kết rác thải không bảo đảm vệ sinh môi trường nằm lẫn trong khu vực dân cư đang sinh sống ổn định cũng xảy ra khá phổ biến. Hiện, thành phố có khoảng 1.000 điểm tập kết rác, phân bố chủ yếu ở các quận nội thành và nằm rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có tám trạm trung chuyển hoạt động tạm, phần lớn là trạm hở và không có hệ thống xử lý ô nhiễm phát sinh bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều năm nay, do đặt trong hoặc gần các khu dân cư, các điểm tập kết và trạm trung chuyển rác gây ô nhiễm môi trường sống ở nhiều mức độ khác nhau. Không ít điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với cuộc sống hằng ngày của cộng đồng dân cư chung quanh. Việc giải quyết rác thải (quản lý, thu gom, vận chuyển) đã được UBND thành phố phân cấp cho các UBND quận, huyện. Tuy vậy, quy trình quản lý vẫn chưa có chuẩn chung, chưa thống nhất cũng như đồng bộ về phương thức, phương tiện, giờ giấc thu gom, vận chuyển… Thực tế cho thấy, giữa đơn vị thu gom rác dân lập (thu gom rác từ khu dân cư và đưa về điểm tập kết) và các công ty dịch vụ công ích quận, huyện (vận chuyển rác từ điểm tập kết đến trạm trung chuyển hoặc bãi rác xử lý tập trung) thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cho nên rác thải bị ứ đọng với thời gian dài ở các điểm tập kết, gây ô nhiễm và ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt của người dân.

Bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng vừa là chủ trương, vừa là phong trào lớn, xuyên suốt nhiều năm qua của thành phố. Vì vậy, trước mắt cần nhanh chóng đóng cửa và di dời ra khỏi khu dân cư bố trí đến những nơi phù hợp đối với những điểm tập kết và trung chuyển rác đã quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng hoặc nằm trong khu dân cư. Với những điểm ở mức độ nhẹ, cần che chắn, xịt hóa chất khử mùi, thu gom nước rỉ rác... Bên cạnh đó, sớm quy hoạch các điểm tập kết và trung chuyển rác mới theo hướng tách biệt cũng như cách xa khu vực dân cư đang sinh sống, có thể bố trí ngầm dưới lòng đất nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như giảm tốn kém diện tích mặt đất; đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác có quy mô lớn, theo hướng hiện đại, khép kín, ưu tiên chọn những công nghệ quản lý rác sao cho giảm được các khâu trung gian và số lượng điểm tập kết rác trên địa bàn, bảo đảm mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Cần xây dựng và áp dụng quy trình đạt chuẩn tiên tiến về quản lý, vận hành, kiểm soát chặt chẽ những điểm tập kết và trung chuyển rác, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố, rủi ro trong quá trình
hoạt động.