Cần có hướng dẫn cụ thể về tác động giao thông đường bộ đối với các công trình xây dựng

Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về những bất cập khi triển khai Luật Giao thông đường bộ, nhiều đại biểu đã chất vấn Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố: Tại sao cao ốc mọc lên ngày càng nhiều, nhưng hạ tầng giao thông lại chậm phát triển khiến tình trạng kẹt xe, ngập nước diễn ra ngày càng trầm trọng?

Tại thành phố hiện nay, với quãng đường chưa tới 10 km nhưng người dân phải mất hơn một giờ để di chuyển ngày càng trở nên phổ biến. Các cung đường cửa ngõ như: Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), dọc bến Vân Đồn (quận 4), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ (quận 2)... đang “gánh” một lượng lớn các dự án nhà cao tầng. Nhà cao tầng càng nhiều khiến độ nén về dân số càng cao. Bê-tông hóa khiến cho chất lượng môi trường giảm rõ rệt: Không khí ngộp hơn, nóng bức hơn vì hướng gió bị che chắn và bụi nhiều hơn. Thực trạng này không chỉ khiến quy hoạch của thành phố bị phá vỡ, giảm hiệu quả khai thác quỹ đất chung quanh các công trình mà còn phát sinh gánh nặng ngân sách khi có thể phải mua lại với giá cao để đầu tư hạ tầng công cộng kế bên. Hệ quả đã thấy rõ thế nhưng tại sao bao năm qua, cao ốc lại vẫn đua nhau mọc lên trong khi hạ tầng giao thông không thể đáp ứng?

Theo lý giải của Sở GTVT thành phố, khi tiếp nhận hồ sơ lấy ý kiến chuyên ngành giao thông đối với các công trình xây dựng trong giai đoạn trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt dự án, Sở GTVT căn cứ vào tính chất, quy mô dự án đưa ra đánh giá tác động giao thông. Từ đó, có thể kiểm tra được khả năng đáp ứng của giao thông trên các tuyến đường bị ảnh hưởng bởi dự án ở hiện tại và tương lai. Sau đó, Sở có giải pháp giảm tác động tiêu cực của dự án đến giao thông công cộng. Thế nhưng, do hiện nay các bộ, ngành liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng kết nối vào hạ tầng đường bộ dẫn đến việc triển khai gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý, chi phí thực hiện. Chưa kể một số dự án đã được chấp thuận đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 cho nên kết quả của đánh giá tác động giao thông chỉ có thể đề xuất biện pháp giảm tác động tiêu cực của dự án đến giao thông, chứ chưa xét đến cốt lõi của vấn đề là sự phù hợp của việc xây dựng công trình trong giai đoạn hiện nay hay không.

Thực tế này cho thấy, ngành GTVT thành phố đang cần một hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ GTVT, về đánh giá tác động giao thông đối với công trình xây dựng nhằm hạn chế các cao ốc đua nhau mọc lên. Trong khi chờ hướng dẫn mới, Sở GTVT thành phố tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện đánh giá tác động giao thông trước khi thẩm định các đồ án quy hoạch, hồ sơ thiết kế, cấp phép xây dựng...

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trong quản lý đô thị, hạ tầng phải đi trước đô thị và nếu khu vực này không bảo đảm thì không cấp phép xây dựng. Còn nếu vẫn muốn xây dựng nơi đó thì doanh nghiệp phải đóng phí làm hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu chung quanh, hạn chế đến mức thấp nhất sự phát sinh các hệ lụy tiêu cực…