Bất cập trong quy định về đồng phục học sinh

Chỉ còn ít ngày nữa là các em học sinh chính thức bước vào năm học mới. Bên cạnh nỗi lo sách vở, dụng cụ học tập, các khoản tiền phải nộp đầu năm, việc mua sắm nhiều loại đồng phục càng thêm gánh nặng đối với không ít gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Phụ huynh học sinh một trường tiểu học trên địa bàn thành phố, phàn nàn: “Nhập học lớp 1, nhà trường yêu cầu mỗi cháu phải mua các bộ đồng phục lên lớp, đồng phục thể thao và ba bộ đồng phục ngủ trưa. Tính riêng quần áo theo mẫu thống nhất, cha mẹ mỗi cháu phải nộp gần hai triệu đồng”.

Đồng phục học sinh là hình ảnh quen thuộc với người dân thành phố. Việc học sinh mặc đồng phục không chỉ làm các em tự hào là học sinh của ngôi trường đang học mà còn giúp học sinh ý thức hơn trong việc xây dựng giữ gìn nền nếp, môi trường học tập, biết rèn luyện nếp sống văn minh ngay từ tuổi học trò. Tại TP Hồ Chí Minh, việc học sinh mặc đồng phục đến trường đã thành nếp sinh hoạt quen thuộc của nhiều thế hệ học trò. Những năm trước đây, đồng phục học sinh tất cả các cấp, ở các quận, huyện thường là áo trắng, quần (hoặc váy của học sinh nữ) mầu xanh đậm. Lên đến trung học, đồng phục của học sinh nữ thường là áo dài trắng... Buổi tan trường, từng đoàn học sinh áo trắng túa ra cổng trường tạo nên hình ảnh đẹp trên đường phố, ghi sâu vào ký ức của nhiều người.

Những năm gần đây, đồng phục học sinh thành phố rất đa dạng cả về mầu sắc lẫn kiểu dáng. Mầu áo trắng, quần xanh sẫm truyền thống không còn thấy ở nhiều trường, thay vào đó là rất nhiều mầu sắc khác nhau. Kiểu dáng cũng khá cầu kỳ, đến mức rườm rà như: Mầu cổ áo khác mầu thân áo, áo học sinh nam đính kèm cà-vạt (giả); áo học sinh nữ thắt nơ... Những kiểu đồng phục như vậy, gia đình các em thường phải đặt mua tại trường vì không thể tìm thấy trong chợ hoặc siêu thị. Cũng vì mỗi trường mỗi kiểu đồng phục cho nên học sinh những gia đình kinh tế khó khăn không thể dùng lại quần áo đi học của các anh, các chị để lại. Mặt khác, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không bắt buộc học sinh ngày nào cũng phải mặc đồng phục, nhưng có trường nếu học sinh vì lý do nào đó không thể mặc đồng phục, nhất là áo dài với học sinh nữ, vẫn bị giám thị nhắc nhở, ghi tên, thông báo đến gia đình. Những quy định khắt khe như vậy, vừa gây ức chế không đáng có cho học sinh, đồng thời gây thêm khó khăn, lo lắng cho không ít gia đình học sinh có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp.

Theo ý kiến của nhiều người, bên cạnh yếu tố thẩm mỹ, hợp giới tính, lứa tuổi, đồng phục của học sinh phải được thiết kế đơn giản, tiết kiệm, phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu từng mùa; thuận tiện cho học sinh cả khi học tập, vui chơi giải trí hoặc tham gia các sinh hoạt, hoạt động khác. Dựa trên những nguyên tắc cơ bản đó, nhà trường nên tạo điều kiện thuận lợi để gia đình học sinh tự may, mua đồng phục theo mẫu; không được ép buộc các cháu phải đặt may, mua đồng phục do trường đặt may sẵn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng không nên tùy tiện thay đổi kiểu dáng, mầu sắc quần áo đồng phục bởi mỗi lần thay đổi rất có thể sẽ tạo thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh.

Khi nói về một trường học, mọi người thường đề cập chất lượng giảng dạy, tâm, đức của thầy giáo, cô giáo, môi trường giáo dục thân thiện và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Vào năm học mới, mong rằng các trường phổ thông trong thành phố quan tâm nhiều hơn nữa đến những vấn đề này.