Bao giờ hết ngập ?

Đó là câu hỏi và sự mong mỏi của nhiều người dân thành phố từ năm này đến hết năm khác. Nhìn cảnh đường phố ở nhiều quận, huyện mênh mông nước vào hai ngày triều cường đạt đỉnh mới đây (15 và 16-11), không một ai không khỏi chán ngán.

Đường Trần Xuân Soạn (quận 7), người dân không phân biệt được đâu là đường, đâu là kênh. Phương tiện giao thông lưu thông trên đường bị ngập gần hết bánh xe, chết máy la liệt. Tại bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), người dân phải thức trắng đêm để canh… con nước. Nước dâng lên bao nhiêu kê bao cát lên bấy nhiêu để ngăn nước tràn vào nhà. Những lúc triều cường, máy bơm, bao cát, gàu tát… đã trở thành những vật dụng quen thuộc của người dân phố thị. Ngay cả những tuyến phố được xem là hiện đại, sầm uất ở Thảo Điền (quận 2), Phú Mỹ Hưng (quận 7) người dân cũng phải thức đêm để tát nước.

Không rõ từ khi nào người dân thành phố đã nói vui ngập là “đặc sản”; ngập là tại trời mưa, ngập tại triều cường chứ đâu phải do đường? Điệp khúc “trời mưa, ngập nước, kẹt xe” đã trở nên quen thuộc để người dân chuẩn bị tâm lý chung sống với ngập…

Những năm qua, công tác chống ngập của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Báo cáo tổng kết bốn năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố đã giải quyết được 25 trong số 36 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Sở Xây dựng cũng lạc quan khi cho biết, đến cuối năm 2020 sẽ xóa được toàn bộ chín tuyến đường trục chính bị ngập do triều cường… Thế nhưng, thực tế trên mới chỉ giải quyết được phần nào tình trạng ngập nước ở thành phố. Chỉ cần triều cường hay một trận mưa lớn thì vẫn còn hàng loạt tuyến đường từ cửa ngõ ở ngoại thành đến nội ô của thành phố đều biến thành sông.

Gần 26 nghìn tỷ đồng đã được thành phố chi cho công tác chống ngập trong 5 năm qua. Vậy TP Hồ Chí Minh bao giờ sẽ hết ngập? Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, muốn dứt điểm ngập phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực chứ không chỉ tập trung giải quyết mỗi con đường. Đối với các tuyến đường trung tâm cũng vậy, nếu chỉ dựa vào một vài dự án cải tạo đường ống thoát nước thì không thể hết ngập. Thành phố cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả các ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng...

Còn theo PGS, TS Hồ Phi Long, muốn hết ngập phải xóa bao cấp về chống ngập. Chuyên gia về đô thị này phân tích: Hàng chục năm qua, việc đô thị hóa luôn đi trước, còn hệ thống thoát nước lại bao cấp và phải chạy theo sau để đối phó. Bây giờ, đô thị hóa tới đâu, hệ thống thoát nước phải đi tới đó, có gắn trách nhiệm của nhà đầu tư, hoặc tính chi phí chống ngập thành tiền để họ chi trả. Khi có cơ chế tính đúng, tính đủ, tư nhân cũng sẽ tự động tham gia và xã hội hóa được việc này…

TP Hồ Chí Minh đang xây dựng để trở thành thành phố thông minh, phát triển theo mô hình chính quyền đô thị với nhiều cơ chế đặc thù. Mục đích cuối cùng của sự đột phá, sáng tạo này là nhằm phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhanh, bền vững, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trên bước đường xây dựng, phát triển hướng tới một thành phố đáng sống, trước mắt, người dân thành phố rất cần một môi trường sống không bị ô nhiễm, ra đường không bị kẹt xe và đặc biệt không phải chịu cảnh bì bõm dắt xe, thức đêm tát nước mỗi khi mưa to, triều cường...