Bảo đảm hiệu quả phân loại rác tại nguồn

Thành phố Hồ Chí Minh đã có quy định về việc phân loại rác tại nguồn trong hộ gia đình, khu dân cư, nhưng đến nay, vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ngày 14-11-2018, UBND thành phố ban hành Quyết định số 44/2018/QÐ-UBND về "Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh". Theo đó, rác thải tại các hộ gia đình phải được chủ hộ phân làm ba loại: Hữu cơ, tái chế và rác thải còn lại; cách thức tổ chức thu gom các loại rác khác nhau sau phân loại vào các ngày khác nhau trong tuần… Ðầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng đã có kế hoạch triển khai Quyết định số 44/2018/QÐ-UBND với mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ các đối tượng thực hiện phân loại rác tại nguồn đạt 50% và tăng dần vào các năm tiếp theo; đến năm 2025 đạt mức tối thiểu 80%.

Dù đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, nhưng đến nay, việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt; đa số người dân vẫn đổ lẫn lộn các loại rác, gây khó khăn trong công tác thu gom và xử lý. Mặt khác, do các đơn vị vẫn chưa được trang bị đồng bộ các phương tiện thu gom, vận chuyển cho nên khâu thu gom vẫn để lẫn lộn các loại rác với nhau.

Hiện, mỗi ngày đêm, thành phố thải ra hơn 9.200 tấn rác thải rắn sinh hoạt; mỗi năm, lượng rác tăng thêm từ 6% đến 10%. Trong khi đó, diện tích đất để thực hiện chôn lấp rác hợp vệ sinh dần thu hẹp. Theo định hướng, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ xử lý rác bằng chôn lấp còn 50% và giảm còn 20% đến năm 2025.

Ðể thực hiện được mục tiêu này, thành phố đã khởi công xây dựng hai nhà máy đốt rác phát điện với tổng công suất đốt khoảng 4.000 tấn rác/ngày. Dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối năm 2020, hai nhà máy này sẽ xử lý được gần một nửa lượng rác thải hằng ngày bằng phương pháp đốt sản sinh điện. Với công nghệ đốt rác phát điện, việc phân loại rác nhẹ nhàng hơn trước, người dân chỉ cần phân rác làm hai loại: Rác thải tái chế và rác thải còn lại. Khi đó, việc thu gom rác sẽ thực hiện theo hướng: Phần rác thải còn lại được đem đi xử lý, phần rác tái chế sẽ được thu gom bằng cách trả tiền cho người dân hoặc đổi lấy quà tặng có giá trị tương đương.

Trong những năm gần đây, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình "Ðổi rác lấy quà" tại một số địa điểm tại quận Tân Phú, được nhiều người dân hưởng ứng. Qua chương trình này, ý thức người dân có chuyển biến, nhiều người đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Từ đó, công ty đang lên kế hoạch triển khai rộng hơn nữa chương trình đổi rác lấy quà hay trả tiền trên địa bàn thành phố…

Để công tác quản lý vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao hơn, thành phố cần tổ chức bộ máy thu gom, xử lý rác đồng bộ, chuyển đổi các phương tiện thu gom rác hiện đại, hiệu quả trong công tác phân loại rác. Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức thu gom rác dân lập nhằm khuyến khích các tổ chức này chuyển đổi thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về lợi ích phân loại rác cũng như hỗ trợ người dân các phương tiện thực hiện phân loại. Cùng với đó, thành phố cần triển khai sắp xếp, bố trí các thùng rác công cộng phù hợp, thực hiện dán nhãn nhận biết trên nắp và thân thùng rác để người dân bỏ rác phân loại theo quy định.

Nhiều người cho rằng, cần luật hóa để việc phân loại rác trở thành nền nếp và thói quen hằng ngày của người dân. Việc này sẽ giúp nâng cao ý thức người dân trong mỗi gia đình và trong cộng đồng dân cư vì thành phố xanh, sạch, đẹp…