Bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên

Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Đây là dịp để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong khâu cung ứng thực phẩm an toàn cho xã hội, đồng thời tiếp tục nhắc nhở người tiêu dùng nâng cao ý thức về vệ sinh ATTP, tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Công tác bảo đảm ATTP là lĩnh vực được chính quyền thành phố ưu tiên hàng đầu, thể hiện qua nhiều chương trình, kế hoạch. Qua các năm, thành phố liên tiếp triển khai mô hình thí điểm quản lý ATTP theo chuỗi từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ, đến Chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo; Chương trình truy xuất nguồn gốc trứng, thịt gia cầm; Chương trình xây dựng thương hiệu chợ thực phẩm an toàn... Đầu năm 2017, UBND thành phố cũng đã phê duyệt Chương trình xây dựng chuỗi liên kết và cung ứng trong nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, với mục tiêu cụ thể là xây dựng ba chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng tiêu thụ nông sản an toàn gồm chuỗi rau, củ quả; chuỗi thịt heo và chuỗi thủy sản. Phấn đấu đến năm 2020, các chuỗi liên kết này cung ứng 30% thịt heo; 50% nhu cầu rau, củ, quả; hơn 50% nhu cầu thủy sản an toàn, bảo đảm vệ sinh cho thị trường thành phố.

Tại TP Hồ Chí Minh, phần lớn nông sản tiêu thụ trên địa bàn thông qua tiểu thương thu gom từ nơi sản xuất. Hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân với các hợp tác xã; tiêu thụ thông qua hợp đồng cung cấp giữa nông dân với đơn vị, doanh nghiệp còn ít. Do sản xuất nông nghiệp thành phố chỉ mới đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ của thị trường; phần còn lại là do các địa phương khác cung cấp. Điều này gây khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra ATTP. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, hệ thống tổ chức của Ban quản lý ATTP được kiện toàn từ thành phố đến các quận huyện; trình độ canh tác, khả năng tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp của nông dân thành phố khá cao; ý thức, trách nhiệm về cung ứng nông sản an toàn của người sản xuất, kinh doanh nông sản từng bước được nâng lên. Người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm và có ý thức cao hơn về vệ sinh thực phẩm, thể hiện ở chỗ ngày càng có nhiều người nội trợ tìm mua nông sản thực phẩm sạch, an toàn. Số cửa hàng bán lẻ thực phẩm theo chuỗi sản xuất cung ứng tăng nhanh trên địa bàn các quận, huyện. Đây là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

An toàn thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của toàn xã hội. Tháng hành động vì ATTP chỉ nên coi là dịp cao điểm nhắc nhở chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp các ngành; nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng quan tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa trong lĩnh vực này. Muốn nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, việc tuyên truyền, vận động đi kèm với thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm có ý nghĩa quan trọng. Thực hiện điều này đòi hỏi năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là của Ban quản lý ATTP thành phố, các quận, huyện trong việc giám sát, xử lý vi phạm trong các khâu sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Người tiêu dùng cũng cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình bằng việc không mua thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc.