Bảo đảm an toàn cho người lao động

An toàn lao động (ATLĐ) tại các công trình, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất là một trong những vấn đề luôn được chính quyền, người dân, người lao động quan tâm. Tuy nhiên, những sự cố, tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra khiến vấn đề mất ATLĐ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người lao động và cả xã hội.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, tai nạn lao động là một trong những vấn đề gây bức xúc, dù các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Nhiều người vẫn còn ám ảnh về sự cố ba công nhân rơi từ tầng 3 của công trình Trung tâm thương mại trên đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức); hay vụ tai nạn tại công trình dự án căn hộ Saigonhomes trên Hương Lộ 2 (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) khi đang thi công, giàn giáo bất ngờ bị đổ sập khiến hai công nhân chết do rơi từ tầng 10 xuống đất…

Ngoài những thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về ATLĐ tại các công trình, nguyên nhân chính khiến tình trạng tai nạn lao động liên tục xảy ra là do chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu cố tình phớt lờ các quy định về ATLĐ. Thực tế này tồn tại ở nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình xây dựng dân dụng nhỏ lẻ trên địa bàn.

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), TP Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương có nhiều người chết do tai nạn lao động. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động là do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng. Đó là các trường hợp không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm và không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân... Cơ quan chức năng cũng nhiều lần thừa nhận, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng các công trình xây dựng đang thi công để xảy ra tai nạn. Công tác quản lý nhà nước về xây dựng, ATLĐ, quản lý chất lượng công trình xây dựng, trật tự xây dựng đô thị còn chưa thực hiện chặt chẽ, đồng bộ; còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân.

Để chấn chỉnh, quản lý hiệu quả vấn đề này, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, tăng mức chế tài xử lý, nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về kiến thức ATLĐ cho các doanh nghiệp, nhà thầu, quản lý các công trình xây dựng; đưa tiêu chí ATLĐ là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp, nhà thầu.

Người lao động cần phải nắm rõ quy trình lao động an toàn, kiến thức về ATLĐ trong quá trình thi công tại các công trường. Các doanh nghiệp đưa công tác tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động đến người lao động là một quy trình bắt buộc khi triển khai công trình xây dựng. Tất cả các công tác này cần được các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra thường xuyên để công tác quản lý về ATLĐ hiệu quả, qua đó, giảm đến mức thấp nhất các sự cố tai nạn lao động đáng tiếc có nguy cơ xảy ra…

Thành phố Hồ Chí Minh đang hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2020 với chủ đề “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Để hoạt động này đạt hiệu quả lâu dài, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, triển khai công tác quản lý hiệu quả, mang tính lâu dài thay vì chỉ tổ chức các hoạt động mang tính thời vụ, phong trào…