Bảo đảm an toàn cho học sinh đến trường

Với một đô thị có mật độ giao thông dày đặc như TP Hồ Chí Minh, an toàn trong tham gia giao thông luôn là vấn đề được chính quyền, người dân quan tâm.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng không chấp hành quy định về an toàn khi tham gia giao thông của trẻ em, học sinh các cấp vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Một thống kê của Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á cho thấy, tỷ lệ học sinh thành phố đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông hiện chỉ đạt 77%. Trước đó ba năm, tỷ lệ này chỉ đạt hơn 23%. Còn theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong số các vụ tai nạn giao thông những năm gần đây, có tới 90% số vụ liên quan tới độ tuổi từ 16 đến 18, lứa tuổi học trò. Qua khảo sát cho thấy, khoảng 70% số vụ tai nạn có thương vong là từ học sinh cấp hai đi xe đạp điện gây ra; ở bậc phổ thông, có hơn 50% học sinh đến trường bằng xe đạp điện, xe máy nhưng không có giấy phép lái xe và kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn, nhiều phụ huynh không đủ thời gian đưa đón con đến trường. Họ trang bị xe đạp điện cho trẻ khi các em chưa được phép sử dụng xe máy, chưa có kiến thức để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ về mất an toàn trên đường đến trường. Cảnh nhiều học sinh không đội nón bảo hiểm, ngồi trên xe đạp điện chạy với tốc độ 30 đến 40 km/giờ khiến nhiều người lo lắng. Ngoài ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; sự không thường xuyên giáo dục, nhắc nhở của gia đình…, thì việc xử lý, chế tài của ngành chức năng chưa thật nghiêm khắc, liên tục cũng là nguyên nhân khiến cho hiện tượng nêu trên vẫn diễn ra khá phổ biến.

Bên cạnh công tác tuyên truyền để các em ý thức tốt hơn khi tham gia giao thông, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai giải pháp bảo đảm an toàn giao thông với lứa tuổi học trò. Về phía nhà trường, cần lồng ghép vấn đề bảo đảm an toàn giao thông vào trong giờ học thích hợp; phân tích cho các em thấy tác hại của hành vi không an toàn khi tham gia giao thông. Mỗi phụ huynh cần nêu gương, truyền đạt cho con em mình kỹ năng, kiến thức cần thiết để các em hiểu và chấp hành nghiêm túc pháp luật giao thông.

Tất cả các hoạt động cần có sự đầu tư kỹ lưỡng, kiên trì và thực hiện đồng bộ từ nhiều phía.