Chỉ tại cái quần rách

NDO - Giáp Tết năm 1948, đơn vị tôi đã đánh một đồn giặc ở ven đường số 5 - con đường huyết mạch của quân Pháp (Hà Nội - Hải Phòng). Sau chiến thắng trở về và nhân ngày Tết, chúng tôi được chính quyền địa phương tổ chức một bữa cơm liên hoan cùng bộ đội. Khác với mọi lần, không ăn tập trung, mà nhân dân tùy theo khả năng của mình đón bộ đội về ăn Tết với gia đình cho ấm cúng và cũng là để anh em bớt đi nỗi nhớ nhà.

Sáng ngày ba mươi, các gia đình đón nhận số người mà mình đã đăng ký về nhà ăn Tết. Chúng tôi, trên một trăm con người, mà chỉ một loáng đã được nhận đi gần hết. Tôi đứng ở cuối hàng đang chờ đến lượt, trong đầu nghĩ đến mâm cỗ Tết... nào bánh chưng, nào dưa hành thịt mỡ mà tôi sắp được ăn. Bỗng thấy một bà mẹ và một cô gái, hình như sợ hết phần... cho nên cùng lúc xông vào tôi và bảo: 'cho mẹ nhận anh này'. Còn cô gái thì bảo: 'Cháu chấm lâu rồi, bà nhường cho cháu'. Cứ thế, hai người cầm tay tôi lôi kéo. Sợ bị ngã, tôi phải dạng hai chân để chống đỡ và cũng do co kéo cựa quậy mạnh mà miếng vá ở đũng quần đằng sau bung ra, làm hở một đám da thịt bằng nửa bàn tay. Tôi hoảng quá, vội ngồi bệt ngay xuống để che đi cái chỗ ấy... rồi hai tay ôm bụng vờ kêu đau để từ chối... (tôi chỉ có một bộ quần áo đã vá, cho nên dù ngày Tết vẫn cứ phải mặc). Hình như hai người ấy cũng đã biết... nên ý tứ nháy nhau và buông tôi ra để đi nhận hai người khác và cũng là hai người cuối cùng. Thế là tôi đành phải ra về và cứ tưởng mất toi bữa liên hoan. Nào ngờ số tôi vẫn còn 'hên': tôi vừa về đến đơn vị, cũng là lúc ban tổ chức cử người đem cỗ đến cho những người gác ở nhà, thế là tôi được nhập cuộc...

Chuyện cái quần rách của tôi, đã đến tai Hội Mẹ chiến sĩ và Hội Phụ nữ... Hết ba ngày Tết, các mẹ, các chị đã tổ chức đến thăm và vá quần áo cho toàn đơn vị. Tất nhiên, cái quần của tôi cũng được các mẹ, các chị vá lại cho chắc chắn.