Kinh tế châu Á phục hồi mạnh mẽ

ND- Tạp chí Nhà kinh tế (Anh) số ra mới đây có bài bình luận về kinh tế thế giới cho rằng, các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á đang dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Chúng tôi xin giới thiệu những nhận định của bài báo phân tích nguyên nhân sự phục hồi ngoạn mục của kinh tế châu Á, để bạn đọc rộng đường tham khảo.

Đầu năm 2009, các ý kiến tranh luận cho rằng các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu ở châu Á sẽ không thể phục hồi nếu các đối tác ở các nước giàu chưa phục hồi. Các nền kinh tế này sẽ mất một thời gian dài mới tăng trưởng trở lại, sau các cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, cuộc khủng hoảng của các công ty internet (dotcom) năm 2001 và cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Trên thực tế, phương Tây vẫn đang suy yếu với nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm trong quý II vừa qua và dù ở Mỹ đã có những tín hiệu tích cực, tiêu dùng cá nhân vẫn u ám. Bất chấp những điều kiện đó, các nền kinh tế châu Á đã tăng trưởng trở lại mà không cần đến những khách hàng phương Tây giàu có.

Bốn nền kinh tế mới nổi ở châu Á, gồm Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Singapore, công bố đạt tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II, với mức tăng trung bình hằng năm hơn 10%. Nhật Bản, dù mức tăng trưởng GDP không sánh kịp với các nước trên, nhưng cũng đang phục hồi nhanh hơn so với các đối tác phương Tây. Các chỉ số kinh tế cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11% từ đầu năm 2009, sản lượng điện đang tăng và doanh số bán xe hơi cao hơn 70% so với năm ngoái. GDP của Hàn Quốc trong quý II tăng mức trung bình hằng năm 10%. Ðài Loan (Trung Quốc) có thể tăng trưởng cao hơn, sản lượng công nghiệp tăng tới 89% bình quân năm. Ấn Ðộ cũng đạt tăng trưởng 14% bình quân năm. Sản lượng của các nền kinh tế nhỏ hơn tuy không bằng năm ngoái nhưng cũng đã khá hơn nhiều... Toàn bộ châu Á có thể tăng trưởng hơn 5% trong năm nay, trong khi các nền kinh tế G7 có thể tiếp tục giảm 3,5%. Giới chính trị gia phương Tây ngày càng nói nhiều hơn về sự chuyển đổi quyền lực kinh tế sang phương Ðông.

Sự "trở lại ấn tượng" này có một số nguyên nhân. Thứ nhất, ngành chế tạo chiếm phần lớn trong một vài nền kinh tế địa phương và các ngành công nghiệp, như ngành chế tạo ô-tô và đồ điện tử, hoạt động theo chu kỳ: giảm mạnh sản lượng vào thời kỳ suy trầm và tăng sản lượng vào thời kỳ phát triển. Thứ hai, sụt giảm xuất khẩu cuối năm 2008 chủ yếu là do thắt chặt tín dụng toàn cầu, nay được khơi thông trở lại. Thứ ba, và là nguyên nhân quan trọng nhất, chi tiêu nội địa được phục hồi nhờ các gói kích thích tiền tệ trong khu vực có giá trị lớn hơn và hoạt động hiệu quả hơn so với gói kích thích ở phương Tây. Trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, các nước châu Á (trừ Ấn Ðộ) có tài chính của chính phủ lành mạnh hơn so với các nước giàu, cho phép họ chi tiêu nhiều hơn. Nợ tư nhân thấp cũng giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn. Các ngân hàng châu Á có thể cho vay nhiều hơn các đồng nghiệp phương Tây. Sự thận trọng của châu Á trong thập kỷ qua dù không giúp khu vực này thoát khỏi cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng lại trang bị cho khu vực này vũ khí tiền tệ và tài chính hiệu quả hơn.

Mức tăng trưởng trung bình 8%/năm của các nước châu Á trong suốt hai thập kỷ qua (gấp ba lần các nước giàu) đã mang lại nhiều lợi ích cho thế giới. Sự trở lại này còn hữu ích hơn khi tăng trưởng phương Tây chậm lại. Châu Á chưa thể thay thế người tiêu dùng Mỹ (tổng chi tiêu dùng của các nước mới nổi châu Á chỉ bằng hai phần năm của Mỹ), nhưng tăng trưởng tiêu dùng lại rất đáng chú ý. Tính theo USD, phần tăng chi tiêu của châu Á năm nay sẽ nhiều hơn phần giảm chi tiêu của Mỹ và khu vực đồng euro; và sự thay đổi này giúp tái cân bằng nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách châu Á hiện đứng trước hai vấn đề nan giải. Trước mắt, làm thế nào để duy trì phục hồi, mà không tạo ra lạm phát tín dụng và thổi bùng bong bóng tài sản, trong khi thị trường chứng khoán và bất động sản đang nóng lên. Về lâu dài, một khi tác động của gói kích thích tiền tệ của chính phủ các nước giảm đi, tăng trưởng sẽ chỉ duy trì nếu chi tiêu cá nhân tăng lên, đòi hỏi các nước tiến hành các cải cách kinh tế để thúc đẩy tiêu dùng cá nhân. Giải pháp để giải quyết hai vấn đề ngăn tình trạng bong bóng đồng thời thúc đẩy tiêu dùng trong nước là cho phép nới rộng biên độ tỷ giá hối đoái. Các đồng tiền mạnh hơn giúp chuyển động cơ tăng trưởng từ xuất khẩu sang nhu cầu nội địa và khả năng chi tiêu thật sự của các hộ gia đình tăng sẽ giúp tránh được chế độ bảo hộ của phương Tây.

Với khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa châu Á đang trỗi dậy với các nước phát triển, có thể ở mức kỷ lục 9% trong năm nay, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về chính sách nới lỏng kiểm soát tiền tệ của Washington. Nhưng sẽ là sai lầm lớn nếu sự phục hồi của châu Á khiến các nhà lãnh đạo khu vực cho rằng không cần thay đổi chính sách tỷ giá hối đoái, hay thông qua cải cách cơ cấu để thúc đẩy tiêu dùng. Việc các con hổ châu Á phục hồi nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã phần nào làm trì hoãn các cải cách cần thiết, khiến những nước này dễ bị tổn thương trước cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2001 và cuộc khủng hoảng hiện nay.

(Theo Tạp chí Nhà kinh tế)