Câu chuyện lợi ích

Ngày 16-3-2015, việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Cảng Cam Ranh đã thất bại, khi chỉ bán được có 9,6% tổng số cổ phần đem ra đấu giá. Cũng không có nhà đầu tư pháp nhân nào tham gia vào phiên này. Điều đáng nói, chỉ trước đó vài tháng, lần IPO đầu tiên của Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang... cũng diễn ra theo một kịch bản tương tự.

Vậy nên, lúc này, vẫn có một giả thiết được đặt ra là việc bán cổ phần Cảng Cam Ranh có thể sẽ... thoát ế, giống như diễn biến sau lần IPO đầu tiên của các cảng thuộc Vinalines nói trên... Tuy IPO ế ẩm, nhưng chỉ vài tháng sau, mọi chuyện thay đổi 180 độ, khi các doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ lớn nhất Việt Nam, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, liên tục tung ra những đề nghị gây choáng để được sở hữu số cổ phần các cảng. Có hẳn một cuộc đua rốt ráo như một quỹ đầu tư đến từ Ô-man (Oman) đã đề nghị mua lại toàn bộ số cổ phần nhà nước tại Cảng Hải Phòng. Đồng thời, Tập đoàn T&T được đề nghị mua lại 100% cổ phần Nhà nước tại Cảng Quảng Ninh. Trước đó, toàn bộ cổ phần nhà nước trị giá 85 tỷ đồng của Vinalines tại Cảng Nha Trang cũng đã được Tập đoàn Vingroup mua lại.

Vingroup thậm chí còn gây sốc, bằng việc đề nghị được mua 80% cổ phần nhà nước tại Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, với giá không thấp hơn giá IPO dự kiến và giá đấu bình quân trước đó. Thông tin mới nhất là Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất của Tập đoàn Vingroup.

Nguyên nhân cổ phần các cảng "bỗng dưng" hấp dẫn hoàn toàn có thể lý giải được. Đó là bởi động thái, sau phiên IPO bất thành, Chính phủ cuối cùng đã đồng ý về chủ trương thoái vốn sâu hơn, không nắm giữ tỷ lệ áp đảo tại các cảng cổ phần hóa. Từ mức 75% vốn điều lệ ban đầu, giờ nhà nước chỉ giữ 51% vốn điều lệ tại các cảng chiến lược như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn. Các Cảng như Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh..., Nhà nước sẽ nắm giữ không quá 49% vốn điều lệ, thậm chí các cảng còn lại có thể thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Với các nhà đầu tư ngoài nhà nước, việc nhà nước giảm tỷ lệ nắm giữ cũng là gia tăng lợi ích của họ tại các cảng. Lợi ích đó là nguồn hàng, và cũng có thể là quỹ đất lớn, tại những vị trí đắc địa của các cảng.

Như vậy, rõ ràng: Trong khi nhà nước cổ phần hóa các cảng để thu hút, đa dạng hóa các nguồn đầu tư phát triển kinh tế thì câu trả lời từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước lại nằm ngoài những tính toán, mong ước của các nhà hoạch định chính sách.

Nói cách khác, từ diễn biến cổ phần hóa các cảng, có thể thấy: Sẽ là quá khó để hiện thực hóa câu chuyện tư nhân chung tay cùng nhà nước phát triển doanh nghiệp. Điều thực tế trong cổ phần hóa là phải lựa chọn, xác quyết, rằng ai sẽ là người nắm giữ phần vốn điều lệ lớn nhất trong công ty cổ phần.

Nhà nước, hay tư nhân nắm giữ lợi thế định đoạt lợi ích hình thành trong tương lai mới là điều quyết định khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Câu chuyện bán cổ phần Cảng Cam Ranh, hay hàng trăm doanh nghiệp nhà nước trong thời gian sắp tới đều phụ thuộc vào vấn đề này. Đừng bàn đến chuyện chung tay ở đây, mà hãy trả lời thật giản dị câu chuyện về lợi ích ấy !.