“Sell in May” đến sớm

Trong 10 phiên giao dịch từ ngày 10-4 đến 23-4, chỉ số VN Index giảm gần 130 điểm, tương đương giảm hơn 10%. Nhà đầu tư (NĐT) dường như đang “chạy trước” hiệu ứng “Sell in May” (bán trong tháng 5). Theo các chuyên gia, phần lớn thời gian trong tháng 5, NĐT nên ở lại thị trường (TT) và tìm cho mình cổ phiếu (CP) phù hợp chiến lược đầu tư.

10 năm trở lại đây, có 5 năm thị trường tăng điểm trong tháng 5. Ảnh: NAM HẢI
10 năm trở lại đây, có 5 năm thị trường tăng điểm trong tháng 5. Ảnh: NAM HẢI

Giai đoạn tháng 5, TT chứng khoán (CK) rơi vào vùng trũng thông tin khi mà mùa đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp (DN) kết thúc, cũng như kết quả kinh doanh quý I đã được công bố trong tháng 4 và phản ánh vào mặt bằng giá CP. Các thông tin vĩ mô cũng không xuất hiện nhiều trong giai đoạn này. Đây là nguyên nhân chính khiến NĐT lo ngại hiệu ứng “Sell in May” sẽ xảy ra. Mặc dù vậy, thống kê cho thấy, trong 10 năm trở lại đây, có 5 năm TT tăng điểm trong tháng 5. Như vậy, cơ hội đối với các NĐT trong tháng 5 là 50/50, mặc dù thanh khoản cũng như giá trị giao dịch của TT thường giảm đáng kể so tháng 4.

Ông Trần Đức Anh, phụ trách phân tích TT, Công ty CK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, yếu tố kỳ vọng hỗ trợ TT trong tháng 5 tới là hoạt động tích cực của dòng tiền bắt đáy sau khi trải qua nhịp sụt giảm mạnh trước đó, trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ TT trong trung hạn vẫn được duy trì như tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận DN hay chính sách tiền tệ. Ngoài ra, nếu xung đột địa chính trị ở Trung Đông giảm, Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận về thương mại, giúp loại bỏ nguy cơ chiến tranh thương mại thì tâm lý thận trọng của NĐT toàn cầu sẽ được giải tỏa, là yếu tố có thể hỗ trợ TTCK toàn cầu nói chung, TTCK Việt Nam nói riêng. Trong nước, dự báo các thông tin trong tháng 5 chủ yếu là về hoạt động ngành, DN, IPO, niêm yết mới… có tác động cục bộ đến các nhóm ngành, CP đơn lẻ, sẽ không có ảnh hưởng lớn đến TTCK.

Chuyên gia CK Nguyễn Hữu Bình nhận xét, TT từng phải “gồng mình” để đạt ngưỡng 1.200 điểm trong phiên 9-4-2018. Thời điểm đó, rất nhiều CP đã tăng giá mạnh, nhất là nhóm CK và bất động sản (BĐS). Nhóm CP vốn hóa lớn đang phân hóa mạnh về giá, trong đó nhóm CP ngân hàng (NH) không còn nhiều động lực, TT phụ thuộc chủ yếu vào một số mã như: VIC, VNM, GAS... Nhìn vào tình hình kinh tế vĩ mô và vi mô, hầu hết đều khả quan nên diễn biến điều chỉnh hiện tại của TTCK chủ yếu liên quan yếu tố ngoài nước và nội tại của TT. Trong đó, khối nước ngoài liên tiếp có động thái bán ròng và sức căng của đòn bẩy tài chính thời gian qua đã góp một phần vào đà giảm này.

Quan sát khối lượng giao dịch cho thấy, dòng tiền mạnh chưa quay lại nên rất khó để TT hồi phục theo mô hình chữ V, như từng diễn ra trong tháng 2-2018. NĐT cũng thận trọng hơn bởi tâm lý “Sell in May”.

Ông Nguyễn Hữu Bình cho rằng, nhịp điều chỉnh này có thể kéo dài, dự báo chiếm khoảng hai phần ba thời gian của tháng 5, nên NĐT cần lưu ý lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp. Nhiều CP sẽ mang đến cơ hội tốt cho NĐT giai đoạn sau này. Thực tế, sau những phiên giảm điểm sâu vừa qua, nhiều CP đã rơi xuống vùng giá hấp dẫn và có thể kích thích hoạt động bắt đáy, giúp TT hồi phục trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận những phiên tới sẽ xuất hiện nhịp hồi phục bền vững và xu hướng điều chỉnh của TT chung đã thật sự chấm dứt trong bối cảnh chỉ số VN Index tăng trưởng trong nhiều quý liên tiếp trước đó, nhu cầu chốt lời của NĐT vẫn đang ở mức cao. Mặc dù đánh giá cao khả năng hồi phục trong ngắn hạn, tuy nhiên, NĐT nên tận dụng những nhịp hồi phục để điều chỉnh tỷ trọng CP trong danh mục xuống mức trung bình thấp và quan sát thêm các yếu tố khác như thanh khoản TT, giao dịch khối ngoại, hay diễn biến ở nhóm CP vốn hóa lớn… trong các phiên sắp tới để có thêm các tín hiệu đáng tin cậy hơn.

Trong kịch bản triển vọng hồi phục của TT trong trung hạn trở nên rõ nét, NĐT nên ưu tiên bắt đáy ở nhóm CP thuộc các nhóm ngành tăng trưởng và đã trải qua nhịp giảm giá sâu, trong đó có thể kể đến ngành NH, BĐS, nhiệt điện… Bên cạnh đó, với diễn biến tích cực của giá dầu trong vài tuần trở lại đây, nhóm CP dầu khí đang dần trở thành ứng viên tiềm năng dẫn dắt xu hướng hồi phục của TT, nếu giá dầu ổn định ở vùng giá hiện tại. Nhìn chung, TT đang trong giai đoạn biến động khó lường, NĐT cần thận trọng khi bắt đáy. Khi khối lượng giao dịch chưa tăng lên, chứng tỏ dòng tiền mạnh chưa quay lại, những NĐT bắt đáy sẽ sớm chốt lời, khiến TT khó hồi phục.

Theo Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty CK Maybank Kim Eng (MBKE) Phan Dũng Khánh, tháng 4 và 5 của TTCK trong những năm gần đây thường có diễn biến tích cực, hiệu ứng “Sell in May” không chi phối nhiều. Tuy nhiên, nhìn lại giao dịch của TTCK trong tháng 4-2018 cho thấy, TT giao dịch tích cực trong những ngày đầu tháng, nhưng bất ngờ chuyển sang trạng thái giảm điểm mạnh về cuối tháng. Xu hướng TT trong tháng 5 sẽ phụ thuộc chuyển động của nhóm CP blue chip, giao dịch của khối ngoại cũng như yếu tố ngoài nước như tình hình TTCK Mỹ, cuộc chiến thương mại quốc tế... Khi dòng tiền quay lại, TT sẽ được hỗ trợ, ngược lại có thể tiếp tục có diễn biến tiêu cực. Ở thời điểm này, các NĐT nên quan tâm một số mã CP vốn hóa nhỏ bên cạnh các mã blue chip có nền tảng cơ bản tốt nhưng giá đã điều chỉnh sâu. Dự báo, đợt điều chỉnh của TT lần này sẽ sớm kết thúc. Theo đó, phần lớn thời gian trong tháng 5, NĐT nên ở lại TT và tìm cho mình CP phù hợp chiến lược đầu tư. Các nhóm CP BĐS, dầu khí, CK là những nhóm CP đáng lưu tâm.