Bảo vệ lao động trẻ em

Những lỗ hổng nguy hiểm

Vụ việc cậu bé 15 tuổi bị bạo hành, bóc lột sức lao động tại Bắc Ninh mới đây đang làm dư luận hết sức phẫn nộ và lo lắng. Sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng và toàn xã hội, lao động trẻ em - câu chuyện không mới, vẫn đang cho thấy những lỗ hổng nguy hại.

Tình trạng trẻ em phải thực hiện nhiều hình thức lao động không phù hợp lứa tuổi hiện vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Ảnh: Thanh Nga
Tình trạng trẻ em phải thực hiện nhiều hình thức lao động không phù hợp lứa tuổi hiện vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Ảnh: Thanh Nga

Cuộc tháo chạy đơn độc

 Sau hai tháng chịu đựng đòn roi nơi “địa ngục” - tiệm bánh xèo trên địa bàn huyện Yên Phong (Bắc Ninh), tối ngày 21-11, em Trương Quang D. (sinh năm 2005, quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) nhân lúc kẻ bạo hành - bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (34 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) ra ngoài, mới dám dùng hết sức bình sinh để chạy trốn, may mắn được Công an huyện Yên Phong phát hiện, đưa tới Trung tâm Y tế huyện.

Trên cơ thể D., khi được giải thoát, đầy rẫy những vết thương cả cũ lẫn mới, và tinh thần bị tổn thương nghiêm trọng. Em kể: “Bị đánh xong bọn em rất đau nên làm việc chậm hơn thì lại bị bà chủ đánh tiếp. Không có điện thoại, em không được đi chơi hay ra khỏi cửa hàng nên không nói với ai được”. Ngày nào bà chủ có chuyện không vui thì em bị đánh đến hai, ba trận đòn, bằng tay chân là nhẹ, bằng chày, cối, bàn nạo vảy cá cũng có. Kêu cứu cũng không có ai tới giúp.

Ngay khi nhận được thông tin vụ việc, Cục Trẻ em đã đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tỉnh Bắc Ninh phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc, triển khai quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo hành. Hiện, Công an huyện Yên Phong đang thụ lý vụ việc, đã tạm giữ chủ quán để tiếp tục điều tra làm rõ. Bước đầu hai vợ chồng chủ quán đều khai nhận những hành vi bạo hành với những người giúp việc trong quán. Còn cậu bé D. thì được đưa đến Bệnh viện Ða khoa huyện Yên Phong để điều trị vết thương, hiện em đã ổn định tâm lý, có thể giao tiếp với mọi người chung quanh.

Sở LÐ-TB&XH đang hướng dẫn Phòng LÐ-TB&XH huyện Yên Phong tiến hành đánh giá nguy cơ, lập kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với cháu bé, cử Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã phân công cán bộ trực tiếp bảo vệ cháu, hỗ trợ cháu hai triệu đồng (đang giao cho Bệnh viện Ða khoa huyện Yên Phong tạm giữ hộ).

Ðồng thời, Sở LÐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát tất cả các cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất trên địa bàn về tình hình sử dụng lao động trẻ em, trẻ chưa thành niên, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Ðừng “mất bò mới lo làm chuồng”!

Có thể thấy rằng, vụ việc của D. nếu như không phải do bản thân em chạy trốn, không biết đến bao giờ mới bị phát giác. Trong khi lao động trẻ em hiện vẫn luôn là “lựa chọn hàng đầu” của các cơ sở dịch vụ, sản xuất bởi: chi phí tiền lương thấp, nhân công lao động nhanh nhẹn lại ngoan ngoãn.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết nối cho biết: “Chúng ta đã có quy định rõ ràng về các công việc trẻ dưới 15 tuổi được tham gia lao động, và danh mục công việc trẻ chưa thành niên (15-18 tuổi) không được tham gia, cũng như thời gian làm việc theo từng lứa tuổi. Thế nhưng, hiện nay còn nhiều cá nhân, tổ chức không rõ hoặc biết nhưng vẫn vi phạm và bóc lột sức lao động của các em”. Và ngay chính các em – những lao động trẻ em cũng hoàn toàn không hay biết về những quy định này.

Bộ LÐ-TB&XH cũng đã có quy định khi tuyển dụng người dưới 15 tuổi làm việc phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc; tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất sáu tháng một lần. Ðối với người sử dụng lao động khi tuyển dụng lần đầu người dưới 15 tuổi vào làm việc phải thông báo bằng văn bản về Sở LÐ-TB&XH cấp tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc. Sau đó, hằng năm, phải báo cáo việc sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc cùng với báo cáo công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động về Sở.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, hình thức xử phạt với các cá nhân, tổ chức lạm dụng lao động trẻ em cũng mới chỉ ở mức xử phạt hành chính, và mức xử phạt còn nhẹ cũng phần nào là nguyên nhân khiến cho các chủ lao động không ngại vi phạm quy định về lao động trẻ em. Quy định tại Nghị định 28/2020/NÐ-CP, Ðiều 28 đã nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Khoản 2 Ðiều 163 của Bộ luật Lao động; sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em, vô cùng bức xúc trước hành vi của kẻ bạo hành, bà cũng đặt ra câu hỏi: “Tại sao có một lao động trẻ em bị bóc lột và bạo hành trong thời gian dài mà địa phương lại không hề hay biết? Có chăng việc địa phương đã lơi lỏng công tác rà soát lao động di cư trên địa bàn?”. Bà Hồng cho biết, Hội đã ngay lập tức có văn bản gửi đến huyện Yên Phong để yêu cầu xử lý nghiêm vụ việc và đề nghị huyện tiến hành rà soát, kiểm tra nhanh chóng tình hình sử dụng lao động trẻ em trên địa bàn. Vụ việc chắc chắn là hồi chuông nhắc nhở các địa phương khẩn trương thanh, kiểm tra tình hình lao động trẻ em trên địa bàn.