Người "nghiện" sách

NDO - Không giữ tiền để xây nhà khang trang hay hưởng thụ, mà ông Phạm Chí Thiện ở Kẻ Sặt, huyện Bình Giang (Hải Dương) đã chấp nhận sống thiếu thốn, dốc hết tiền bạc để sưu tầm, gìn giữ những cuốn sách, trong đó có nhiều sách quý. Hơn cả đam mê, đó còn là niềm vui vì được làm điều mình thích, hạnh phúc vì được phục vụ tận tâm những người yêu quý sách...
Một kỷ vật thời chiến tranh.
Một kỷ vật thời chiến tranh.

Lận đận với đam mê

Mỗi người có niềm đam mê riêng. Với ông Thiện, thú vui của ông là sưu tầm, ngắm và đọc sách. Ngay cả trong giấc mơ, ông cũng thấy mình nằm bên cạnh sách, ôm sách. Nhiều người cho ông là một gã gàn dở, tự làm khổ mình chỉ để sách... được "sướng". Nhà ông, vốn đã chẳng rộng rãi gì nhưng chỗ nào trang trọng nhất thì dành cho sách.

Ngay từ khi còn học phổ thông, ông Thiện đã "thèm" sách. Ra Thủ đô học đại học, chàng sinh viên trẻ lê la khắp các hiệu sách cũ để đọc nhờ và dành số tiền ít ỏi của mình để mua về đọc dần và dần trở thành người nghiện sách lúc nào chẳng biết. Nhiều lần Thiện phải nhịn ăn, chấp nhận mặc áo rách để dành tiền mua sách. Có lần, để có cuốn Bách khoa thư tiếng Anh, anh đã phải "hy sinh" cả chiếc đồng hồ. Tốt nghiệp khoa Văn - Ðại học Tổng hợp Hà Nội năm 1979, Phạm Chí Thiện trở về quê nhà làm giáo viên dạy Văn. Thầy giáo nghèo tiếp tục sống với đam mê và thường trích phần lớn tiền lương mua sách và săn tìm những kỷ vật thời chiến. Hễ nghe ở đâu có bán sách quý, vật dụng thời chiến là ông tức tốc tìm đến. Ấy vậy không phải thứ gì cũng có thể mua được bằng tiền. Nhiều lần, ông phải thể hiện cảm xúc chân thành mới có được những  món đồ quý. Năm 1980, được bạn bè mách, ông Thiện tìm lên Hòa Bình gạ mua bằng được bộ Vĩnh Lạc đại điển (70 tập, một trong những bộ sách lớn nhất Trung Quốc) với giá sáu triệu đồng. Lần đó, ông đã phải bán một mảnh đất ở quê và vay mượn thêm nhiều người mới đủ...

Kiến tha lâu đầy tổ. Hiện nay, ông sở hữu hơn 25 nghìn cuốn sách quý và khoảng một nghìn hiện vật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhà chật hẹp, sách vở và kỷ vật ngày càng nhiều, ông phải khuân đi gửi tại hơn mười gia đình là hàng xóm, họ hàng.

Ðiều đáng nói, cuộc sống gia đình tất cả trông chờ vào vài sào ruộng và quầy bán thịt của vợ. Vợ ông biết niềm đam mê của chồng hết sức ý nghĩa, đặc biệt còn giúp được nhiều người có sách đọc miễn phí nên rất ủng hộ. Dẫu vậy, kho sách của ông cũng đã phải chịu nhiều thăng trầm. Ðó là vào năm 1988, ông Thiện ốm nặng, suýt nữa thì không thể "nuôi dưỡng" kho sách được nữa. Hay vào năm 2004, cô con gái út bị tai nạn, cả gia đình phải tá hỏa lo tiền chạy chữa. Có người sẵn sàng chi món tiền lớn để ông nhường lại một phần sách, nhưng ông Thiện cương quyết lắc đầu. Thực ra, đôi lúc cùng quẫn, căn nhà chật hẹp, đụng chỗ nào cũng chỉ có sách mà tiền thì không, ông thở dài. Rồi vay mượn, tích cực cày cục cuối cùng khó khăn cũng tạm ổn. Ông đã "dìu" kho sách của mình đi hết khó khăn này đến khó khăn khác. Vợ chồng ông phải vay lãi ngân hàng để lo cho ba con học đại học ở Hà Nội, nhưng kho sách vẫn nguyên. Ông Thiện cho biết: "Suốt bao năm qua, gia đình tôi khổ vì sách, nhưng cái được lớn nhất là tôi được ở cạnh sách, được phục vụ cho những người ham đọc sách. Nếu tôi bán kho sách này đi thì có lẽ cũng đủ xây nhà cao, cửa rộng. Nhưng mà dễ dàng bán như thế thì tôi đã chẳng chọn sách mà chơi...".

Nối rộng vòng tay

Hằng ngày đều có khách đến "thư viện ông Thiện" mượn sách. Ðiều đó cũng chiếm nhiều thời gian của ông, nhưng ông chấp nhận một cách vui vẻ, để làm nhịp cầu nối giữa sách và người đọc. Nhất là trong giai đoạn bùng nổ thông tin này, quá nhiều người không còn tìm đến sách.

- Có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi khi cất công săn tìm và "ôm" cả chục nghìn cuốn sách? Ông Thiện vui vẻ nói: "Tôi chấp nhận khổ. Trong lúc khổ cũng thấy mình sung sướng vì tìm được những cuốn sách ưng ý".

Các tủ sách của ông đều được phân loại khoa học, theo từng lĩnh vực: khoa học, giáo dục, văn học, từ điển... Ai đến hỏi, chỉ trong nháy mắt là ông đã lấy ra được, bởi thuộc vị trí của nó ở đâu. Khách nào cũng được chủ nhà đón tiếp nhiệt tình, giới thiệu lý lịch từng cuốn sách, từng kỷ vật. Ðến thăm "thư viện ông Thiện", không chỉ những người dân quê ông mà còn có nhiều nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ. Một lần đến nhà ông Thiện, GS Nguyễn Lân Dũng đã viết: "Ðúng là một trí thức nông thôn hiếm có, một người ham mê sưu tầm sách và sẵn lòng dùng sách để phục vụ xã hội. Vợ anh là một nông dân nghèo đang sống bằng nghề bán thịt, nhưng không cản trở ý nguyện của chồng, có đồng nào đều dồn hết vào việc xây dựng tủ sách gia đình. Anh mê mải tìm mua các loại sách quý hiếm bằng mọi đồng tiền có thể có được, và bằng cách bán bớt các đồ đạc trong nhà!".

Căn nhà nhỏ đã dột nát, không có chiếc xe máy tử tế để đi, nhưng hễ nói đến sách là mắt ông Thiện sáng lên. Nói ông bị đày ải bởi sách cũng phải. Nói ông bị sách hành, chẳng sai. Nâng niu một cuốn sách cũ trên tay, ông Thiện chia sẻ: "Mỗi cuốn sách có số phận của nó. Và tôi, một con người, cũng có thân phận như cuốn sách cũ. Tôi thương sách và những cuốn sách đã chia sẻ cùng tôi suốt cả cuộc đời...".

Ông Thiện gìn giữ những kỷ vật bình thường, gắn liền với đời sống thường nhật của người lính trong thời kháng chiến. Ví như chiếc cặp lồng đựng cơm của thanh niên xung phong, chiếc bi-đông đựng nước của người lính Trường Sơn, một chiếc áo mà người chiến sĩ trong chiến dịch Mậu Thân mặc lúc hy sinh. Ðó cũng có thể là một mảnh bom vỡ, một chiếc la bàn, hay đơn giản chỉ là một cuốn sổ ghi chép...

Tất cả những gì nhỏ nhất, bình thường nhất của những người lính đều được ông mang về nhà lưu giữ với tất cả tấm lòng trân trọng...