Khát vọng sống và ước mơ đến trường

NDO - Nhiều hoàn cảnh, số phận khác nhau, nhưng các em đều có một điểm chung là đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Và, những định kiến của xã hội đang là bức tường vô hình ngăn trở những khát khao bình dị của những số phận kém may mắn ấy trong hành trình hòa nhập với cộng đồng.
Ðược học tập, vui chơi như những trẻ em bình thường là mơ ước của các em nhỏ nhiễm HIV.
Ðược học tập, vui chơi như những trẻ em bình thường là mơ ước của các em nhỏ nhiễm HIV.

Gian nan... đường đến trường

"Hãy giúp con được đến trường học. Con biết bệnh của con. Con không để các bạn cùng lớp bị lây bệnh đâu cô ạ!". Nghe câu nói hồn nhiên của cháu Nguyễn T. H. 10 tuổi, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV mang tên Mai Hòa, xã An Nhơn Tây, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, mà thấy nghẹn ngào. Năm 2009, Trung tâm Mai Hòa đưa 15 em đến Trường tiểu học An Nhơn Ðông, Củ Chi nhập học. Thế nhưng, khi đến trường, các em đã gặp những ánh mắt xa lạ của các em học sinh trong trường; sự kỳ thị và phản ứng có phần gay gắt của các bậc phụ huynh. Cả cô và trò ngậm ngùi trong nước mắt, quay trở về Trung tâm. Hơn 200 phụ huynh trong trường kiến nghị không cho trẻ em nhiễm HIV đến trường. Thật ra, những kiến nghị này mang nỗi lo rằng, trong lúc con mình học tập, sinh hoạt, chơi đùa với trẻ bị nhiễm HIV thì dễ bị phơi nhiễm. Có phụ huynh nói: "Tôi cũng thật sự xúc động và xót xa cho các cháu bị lây nhiễm HIV/AIDS. Nhưng ở cấp tiểu học, các cháu còn rất hiếu động, hoàn toàn có thể xảy ra những cãi cọ, dẫn đến va chạm, xô xát, nếu chảy máu thì khả năng lây nhiễm HIV là rất cao. Nếu như chuyện đó xảy ra, ai sẽ chịu trách nhiệm?". Ðược biết, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Củ Chi ra quyết định, trẻ em của Trung tâm Mai Hòa chỉ sinh hoạt tập thể tại Trường tiểu học An Nhơn Ðông. Học văn hóa ngay tại Trung tâm. Phòng điều động giáo viên xuống giảng dạy.

Cũng trong năm 2009, một trường mẫu giáo của quận 11(TP Hồ Chí Minh) cũng gặp phải trường hợp tương tự. Hiệu trưởng đã không nhận trẻ vào học khi biết trẻ nhiễm HIV; Năm 2010, tại huyện Nhà Bè, các phụ huynh học sinh ở một trường tiểu học đã phản ứng dữ dội khi biết có trẻ nhiễm HIV học trong trường và xin rút đơn để chuyển trường cho con.

Tổ ấm của trẻ nhiễm HIV

Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh (thành lập ngày 30-3-2010), hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 137 em, từ trẻ sơ sinh đến 16 tuổi. Các em tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 học tại Trung tâm, được tham gia các hoạt động tham quan, vui chơi,... của Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Ðức. Các em từ lớp 4 đến lớp 9, theo học tại trường phổ thông cùng tham gia các hoạt động của trường.

Mặc dù mang trong mình "căn bệnh thế kỷ", nhưng sâu thẳm trong ước mơ của các em là có được cuộc sống khỏe mạnh, được đến trường và sau này trưởng thành, bằng những kiến thức đã học được với mong muốn giúp ích cho xã hội. L.N.H.T, 11 tuổi (thị xã La Gi, Bình Thuận), có khuôn mặt trắng trẻo, hồn nhiên, em nói, ông ngoại em kể rằng, bố mẹ đã mất khi mới sinh ra em. Những ngày đầu vào Trung tâm, em rất sợ, khóc suốt ngày. Các "mẹ" thương và chăm sóc em như con đẻ. Ðây thật sự là mái ấm gia đình. Ðiều vui thích nhất là em được hòa nhập cùng các bạn ở Trường THCS Xuân Hiệp, Thủ Ðức. Năm năm liền em đạt học sinh giỏi. Em chỉ có một ước mơ sau này sẽ trở thành cô giáo dạy các em nhỏ tại Trung tâm Linh Xuân. Em N.X.L. 10 tuổi (Bến Tre), năm lên hai tuổi, em đã vào ở Trung tâm. Nhìn khuôn mặt bụ bẫm, đôi mắt rất sáng của em, không ai có thể nghĩ rằng em bị nhiễm HIV. Ước mơ của em là gì? - Tôi hỏi. Dạ, lớn lên em sẽ là nhà nghiên cứu giống lúa, cô ạ. Một ước mơ nữa là em muốn được về thăm quê và tìm người thân...".

Không có tuổi thơ bình yên, không có một gia đình trọn vẹn, các em sinh ra vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Xót xa và cảm thương các em, nhưng hy sinh cả cuộc đời để dạy dỗ, chăm sóc cho các em thì không phải ai cũng dám dấn thân như những cô giáo, cán bộ, nhân viên... của Trung tâm Linh Xuân. Tận mắt chứng kiến cô giáo, các chị bảo mẫu chăm sóc trẻ nhiễm HIV, chúng tôi phần nào cảm nhận được tình yêu thương không gì sánh được của các cô, các chị dành cho những đứa trẻ bị nhiễm HIV. Cô giáo Phạm Thị Hoa, nguyên giáo viên Trường tiểu học Xuân Hợp (phường Linh Trung, quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh) sau ngày về hưu, đã đến dạy lớp 1 và 2 cho các cháu nhiễm HIV tại Trung tâm. Cô tâm sự: "Khi vào đây dạy, tôi thấy thương các con vô cùng, bởi các con có hoàn cảnh rất bất hạnh,  mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại mang trong mình căn bệnh HIV". Chị Phạm Thị Bé, Trưởng phòng Quản lý giáo dục của Trung tâm, người đã gắn bó với các cháu bị nhiễm HIV từ những ngày đầu, bằng tình yêu thương, sự đồng cảm với các cháu đã giúp chị gắn bó với nghề giáo đặc thù này. Chồng chị cũng là nhân viên tại Trung tâm, nên anh cũng hiểu, thông cảm và luôn chia sẻ công việc với chị.

Giám đốc Trung tâm Linh Xuân Nguyễn Thị Kim Tiên cho biết, các em nhiễm HIV ở Trung tâm hầu hết không còn cha mẹ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. 70% nhân viên dạy dỗ, chăm sóc các em ở đây đã từng là trẻ mồ côi và nhiều cô đã không lập gia đình, tự nguyện gắn bó cả đời mình với các em.

Ðược đi học, được vui chơi, sống hòa nhập cộng đồng là một mơ ước chính đáng của các trẻ bị nhiễm HIV. Thực tế cho thấy, chính quyền, các cấp, các đoàn thể cùng các nhà hảo tâm đã nỗ lực và có những giải pháp rất quyết liệt trong việc chống kỳ thị với người bị nhiễm HIV, nhưng  sự  hòa nhập cộng đồng của người bị nhiễm HIV nói chung, trẻ em nhiễm HIV nói riêng còn không ít khó khăn. Rất cần sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả hơn của các cấp, các ngành, tạo điều kiện cho những số phận trẻ thơ bất hạnh có cơ hội được học tập, vui chơi cùng bạn bè, có niềm tin trong tương lai, như bao trẻ em bình thường khác.

* Bác sĩ Võ Minh Quang, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh:

Tỷ lệ lây sau một lần tiếp xúc là rất thấp 1/1000; nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường máu chỉ là 0,3%; nguy cơ phơi nhiễm với máu qua da chỉ 0,3%; Máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành thì không có nguy cơ. Các loại dịch tiết từ bệnh nhân HIV như sữa người, nước mắt, nước bọt mà không thấy máu, nước tiểu không có máu... không xem là nguyên nhân lây nhiễm. Hiện nay trẻ nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc ARV, phần lớn không tìm thấy HIV trong máu. Ðiều đó cho thấy khả năng lây nhiễm của những trẻ chơi chung với nhau hầu như không thể xảy ra vì thế phụ huynh có thể yên tâm khi cho con em mình học chung với trẻ nhiễm HIV.

* Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng An:

Cho đến nay, sau gần 30 năm, Việt Nam chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp trẻ em nào bị lây nhiễm HIV bởi các trẻ em khác qua tiếp xúc hay sinh hoạt bình thường, mà chỉ có lây từ mẹ sang con.