Hồi sinh nụ cười cho trẻ thiệt thòi

Hơn 20 năm trước, cô giáo trẻ Đặng Thị Bích Thảo “rẽ ngang”, về dạy lớp học sinh chuyên biệt đầu tiên của trường tiểu học Bình Minh (Hà Nội). Đang từ cô giáo dạy học sinh phổ thông, chuyển sang tiếp nhận những học sinh chậm chạp, tăng động... cô sốc lắm. Không ít đận, vì quá chán nản cô định rời bỏ, nhưng rồi, lòng thương những đứa trẻ thiệt thòi đã níu cô ở lại.

Cô Đặng Thị Bích Thảo với những học trò “đặc biệt”.
Cô Đặng Thị Bích Thảo với những học trò “đặc biệt”.

Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…

Cô Bích Thảo vào nghề khá thuận lợi. Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm 1993, cô về quận Ba Đình công tác tại Trường PTTH Phạm Hồng Thái. Trong một lần, cùng người thân đến thăm các học sinh ở Trường tiểu học Bình Minh, tiếp xúc với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, cô Thảo đã có một sự thay đổi trong ý nghĩ. Người thân khuyên, nếu muốn thử sức dạy các em học sinh khuyết tật, thiểu năng thì cứ dạy vài buổi, chứ đừng nên chuyển hẳn. Nhưng rồi sau vài buổi dạy thử, cô Thảo xin “ở lại luôn”. Mọi người trong gia đình can ngăn vì lường trước những khó khăn, nhưng cô vẫn nhất quyết làm theo ý mình.

Dù đã xác định trước nhưng sau một tuần dạy học, cô Thảo không thể ngờ là dạy các em khuyết tật, thiểu năng lại khó đến thế, bởi sự tiến bộ của các em phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của người giáo viên. Cô đã thấm trải muôn nỗi nhọc mệt trong công việc khi phải đảm nhận lớp học có em tự kỷ, tăng động. Hay có em lớn tồng ngồng vẫn không thể tự vệ sinh. Nhất là khi ấy cô mới hơn 20 tuổi, thiếu kinh nghiệm, lại có người nói tại sao lại nhảy vào chỗ khó khăn thế. “Thú thật là cảm thấy áp lực kinh khủng và thấm thía bốn từ “học sinh đặc biệt”, tôi đã phải tìm gặp và chia sẻ với người đồng nghiệp là anh Đinh Đoàn - tiến sĩ tâm lý. Tôi đã nhận được sự khích lệ từ anh và thấy vững tâm hơn”, cô Thảo tâm sự.

Nhưng đó chưa phải là điều khiến cô giáo trẻ quyết tâm gắn bó với học sinh đặc biệt. Một chiều sau khi gặp tiến sĩ Đinh Đoàn, trên đường về cô Thảo gặp một phụ huynh hớt hải tiến lại gần, nắm lấy tay và nói đầy xúc động: “Tôi là bà của cháu Hưng. Cô giáo còn trẻ mà tận tụy dạy cho lớp của cháu tôi. Tôi không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn cô”.

Về hoàn cảnh của em Xuân Hưng, cô giáo Thảo cho biết cô thương vì em lĩnh đòn thay mẹ. Năm lên ba tuổi, bố em dùng thanh gỗ đánh mẹ em. Cú ra đòn lại trúng vào Hưng. Sau khi bị hôn mê hơn một tuần, tỉnh lại, em hoàn toàn không còn khả năng nhận thức. Rồi mẹ em bỏ đi, bố lấy vợ khác, bà nội đưa em về nuôi. Cô Thảo thổ lộ: “Những câu chuyện và hoàn cảnh của các em cảm động như thế, làm sao chúng ta không thương xót? Nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…”.

Khi thấy cô vất vả, một số đồng nghiệp rủ cô ra làm cho công ty nước ngoài, lương cao. Nhưng cô đã chối từ. Có người nói chính cái duyên đã đưa cô Thảo đến với các em. Nỗi nhọc nhằn của cô là tự nguyện. Nhiều em động kinh còn đánh cả cô giáo buộc cô phải tìm cách xử lý khéo léo giúp các em nghe lời hơn. Nếu không coi các em như con làm sao cô có thể chịu đựng nổi!

“Bảo mẫu” có trái tim nhân hậu

Trường tiểu học Bình Minh là một trong ba ngôi trường của Thủ đô có nhiệm vụ giáo dục trẻ khuyết tật. Học sinh của trường được chia thành hai khối, khối tiểu học (học hòa nhập) và khối khuyết tật (chuyên biệt). Cô Bích Thảo giờ là Tổ trưởng của Tổ giáo dục trẻ khuyết tật.

Mỗi lớp, học sinh thuộc nhiều lứa tuổi, tâm sinh lý và trình độ nhận thức khác nhau. Do đó người giáo viên phải chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ để có thể hướng dẫn và giúp đỡ các em. Điều đáng nói là các nhóm thường được chia theo trình độ tương đồng, không có gì ngạc nhiên khi học sinh 6 tuổi học cùng nhóm học sinh 15, 16 tuổi. Ngoài ra lớp học không chỉ có học sinh bị thiểu năng trí tuệ mà còn có học sinh bị đa tật như tự kỷ, down, khiếm thính, tật ngôn ngữ, tật vận động… khiến cho giáo viên rất khó khăn trong việc chăm sóc và hướng dẫn các em. “Dạy trẻ khuyết tật, tiến bộ của các em không thể đo bằng ngày, tháng, năm mà bằng thập kỷ. Lớp hiện có tám em gắn bó nhiều năm như Hoàng Giang, Minh Hiền. Các em đều học ở đây từ tám năm đến trên 10 năm”, cô Thảo chia sẻ.

Thông thường, học sinh phải mất hai năm đầu mới biết tự vệ sinh cá nhân, nhận biết mặt chữ và tự ăn, bớt phá phách, biết xếp hàng khi ra về. Cũng phải chừng đó thời gian các em mới biết cầm bút, trí tuệ mới có chút phát triển. Trước đây chưa có giáo trình, cô Thảo cùng đồng nghiệp vừa dạy vừa mày mò. Thậm chí lớp có 10 em thì mỗi em một chương trình, tùy theo nhận thức. Nói về mức độ khó khăn khi dạy học sinh, một số đồng nghiệp của cô Thảo cho biết: “Thông thường, vào đầu năm nhận lớp bao giờ cô cũng mất hàng tháng để làm quen và “thuần phục” những đứa trẻ không có khả năng kiểm soát hành vi. Phải quan sát, yêu thương, biết được tâm tính từng em. Ngay cả lúc các em đã “thuần” thì những khi trái gió trở trời, cô giáo bỗng nhiên “được” lĩnh những cú đấm hay cái tát của trò cũng không có gì lạ. Không có sự hy sinh, cảm thông và một trái tim nhân hậu khó đảm đương được công việc này”.

Cho đến bây giờ không ít người vẫn coi công việc của cô Thảo như một “bảo mẫu”. Thế nhưng tinh thần cô không nao núng. Nhiều học trò của cô nay đã phát triển thể chất, trí tuệ và trưởng thành ra trường. “Gặp được các em là cái duyên và có lúc còn bị nhiễm tính cách ngây thơ, hồn nhiên của các em. Công tác ở đâu không còn quan trọng. Quan trọng là tôi được làm công việc mình mong muốn và việc làm ấy đang làm thắp lên nụ cười cho các em nhỏ thiệt thòi”, cô Thảo chia sẻ.