Hạt bụi kinh kỳ

Sức hút của Thủ đô nước ta không chỉ là những tòa cao ốc hiện đại hay công trình hoành tráng. Cái đằm chất Hà Nội là nhờ phảng phất đâu đó dấu tích của kinh thành nghìn tuổi, và những “hạt bụi” khuất lấp phận người nhưng vẫn cứ lung linh theo một cách riêng, lặng lẽ.

Trong căn nhà nhỏ, ông miệt mài với sách vở, còn bà thì lấy việc được chăm sóc ông làm niềm vui.
Trong căn nhà nhỏ, ông miệt mài với sách vở, còn bà thì lấy việc được chăm sóc ông làm niềm vui.

Vẻ ngoài bụi bặm, râu tóc lòa xòa, người ta thấy ông lão thường ngồi trước thềm một căn nhà nhỏ ở ngõ Tràng An, trên tay khói vương tàn thuốc. Lạ một điều, hầu như du khách nước ngoài nào khi ngang qua đây cũng cúi đầu chào ông. Ông đáp lại bằng ánh mắt sáng và những câu chào hỏi tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trầm ấm cùng nụ cười hóm hỉnh. Lắm lúc còn thấy những thanh niên ngoại quốc vây lấy ông, chăm chú lắng nghe, lúc lắc đầu cười sảng khoái.

Vóc người nhỏ, gầy guộc, nhưng trông tinh anh nhanh nhẹn, chẳng mấy ai nghĩ năm nay ông lão đã ngót chín mươi. Tên ông là Nguyễn Trọng Điều, ông nói được cả tiếng Anh và tiếng Pháp để trò chuyện với những khách du lịch mỗi khi họ hỏi về văn hóa, con người Hà Nội.

Ông kể rằng, ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, nhà có ba anh chị em, ông ham học nên được bố mẹ đầu tư cho học trường Pháp. Năm ông 17 tuổi, quân Pháp thua chạy và rút khỏi Việt Nam. Ông vẫn tiếp tục tự học thêm tiếng Pháp, tiếng Anh, rồi đi làm bằng chính khả năng ngoại ngữ của mình. Ông từng làm thông dịch cho các hãng xuất nhập khẩu của Pháp, rồi một thời gian dịch tin tức quốc tế cho Việt Nam thông tấn xã. Cuộc sống cũng “ba chìm bảy nổi”, bao phen lận đận, cho đến khi ông gặp bà.

Bà tên là Bành Tú Yến, năm nay 81 tuổi. Thời trẻ bà làm công nhân Công ty bia rượu - nước giải khát, nhưng có nhan sắc lại yêu văn nghệ nên hay được mời tham gia các chương trình văn nghệ hay sự kiện ngoại giao. Đến giờ ông vẫn thường nhắc rằng: “May mắn mà gặp được bà ấy. Tôi thì trai tân, tiếng là có học hành nhưng lúc ấy cũng phải lam lũ, bỏ chỗ này làm chỗ kia. Còn bà ấy đã qua một đời chồng, có một cô con gái. Bà ấy đẹp, vậy mà chịu lấy mình là tốt lắm rồi”. Nói xong ông lại cười sảng khoái, mắt lấp lánh nhìn vợ.

Hai ông bà ở với nhau trong căn nhà nhỏ, nhỏ đến mức không thể chật chội hơn. Hầu hết diện tích căn nhà là để dành cho sách. Có không ít những đầu sách quý nguyên bản tiếng nước ngoài, được ông bọc lại, giữ gìn cẩn thận.

Đám trẻ khu phố vẫn thường lui tới nhờ ông dạy thêm cho môn ngoại ngữ. Ông chẳng lấy tiền, bởi vì “mình có phải tiêu gì đâu, tiền nong gì cho bận, dạy bọn trẻ cũng là để ôn lại kiến thức của mình thôi mà”. Đấy là ông khiêm tốn nói thế, chứ vốn tiếng Anh, tiếng Pháp của ông cũng ở cỡ “siêu”. Chẳng thế mà căn nhà chật chội của ông bà thường có rất nhiều khách du lịch đến Hà Nội, hoặc làm việc tại các cơ quan gần đấy biết ông và thường lui tới hỏi han, nghe ông giới thiệu về văn hóa Việt Nam, kể chuyện về Hà Nội.

Tuy tuổi đã cao, ông vẫn thường dậy rất sớm, đều đặn cứ tầm ba giờ sáng là tỉnh giấc. Đây là khoảng thời gian yên tĩnh nhất, ông dành để tập trung cho việc dịch.

Bàn viết của ông là một tấm ván đặt ngoài ban công, nhờ ánh đèn cao áp ngay đầu ngõ chiếu sáng. Cứ thế, sau biết bao đêm miệt mài, từng sấp bản thảo ông nắn nót viết tay cứ đầy dần lên, rồi được cất cẩn thận. “Tôi viết bằng giấy lịch cũ cho tiết kiệm lại vừa dễ cất”. Ông đã dịch hàng nghìn trang bản thảo, đó là 23 trên tổng số 30 chương cuốn hồi ký của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và một vài cuốn sách khác từ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Pháp.

“Dịch nghiêm túc mất thời gian lắm cậu ạ. Nhiều khi muốn tìm một từ đích đáng phải mất cả buổi trăn trở. Giờ thời gian hạn hẹp, chẳng biết sẽ đi lúc nào nên phải tranh thủ. Tự mình thích thì làm thôi chứ chẳng ai bắt mình cả, nhưng đã làm phải nghiêm túc” - ông cứ thế nói say sưa về việc dịch. Ông ví nghề dịch chẳng khác gì đi cày ruộng, nhọc nhằn lắm.

Lúc tôi hỏi, “ông dịch xong rồi có xuất bản không?”. Ông ngẩng đầu, trả lời ngay: “Đó là việc khác, mình đâu có tiền. Nhưng thấy sách hay thì dịch ra để sau này ai muốn tìm hiểu còn có tài liệu mà đọc. Cuốn đang làm đây là những hồi ức của Kissinger về cuộc chiến ở Việt Nam. Có thể bây giờ người ta còn mải làm ăn, tranh đua kiếm tiền. Nhưng thế hệ trẻ sau này chúng sẽ đọc, sẽ quan tâm đến lịch sử nước nhà. Thế nào cũng có một ngày nó phát huy tác dụng”.

Căn nhà nhỏ là tổ ấm hạnh phúc đã bao năm của ông bà. Ông vẫn miệt mài với đam mê của mình, còn bà thì lấy việc được chăm sóc ông làm niềm vui. Bà ít nói, nhưng cũng có lần bộc bạch: “Hồi trẻ ông ấy trông cũng gọn gàng, đẹp trai. Chứ biết luộm thuộm như bây giờ thì chắc tôi chẳng lấy”. Nghe thế, ông cười hóm hỉnh: “Bẩn thỉu thế này thì bà mới yên tâm đấy. Chứ tóc chải mượt, bảnh bao thì lại chẳng sợ đứa nào nó vồ đi mất”. Nói đến đấy, cả hai ông bà cùng cười ran căn phòng.

Thế đấy, hạnh phúc của ông bà thật dung dị. Những dung dị đời thường, những việc làm lặng lẽ, cứ thế cùng chăm chút, giúp cho những vị khách nước ngoài đến và hiểu hơn về Hà Nội. Ông như một phần của cây cầu văn hóa, kết nối người nay và cả hướng tới tương lai, mong muốn gửi gắm những điều tâm đắc cho thế hệ mai sau.

Bất giác, tôi nhớ đến “hạt bụi” được nhà văn Nguyễn Khải viết trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” cách đây 26 năm, rằng: “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó nơi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng ánh vàng!”. Hà Nội hấp dẫn là bởi có những “hạt bụi vàng”
như thế.

Tấm gương học tập và miệt mài làm việc của ông Điều đã thôi thúc cô cháu họ Nguyễn Hiền Anh, sinh viên ngành luật, nảy ý tưởng làm một bộ phim tài liệu về ông. Bộ phim Dành tặng ông Điều sau khi hoàn thành năm 2015 đã nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Mới đây, bộ phim đã giành giải Cánh diều vàng cho thể loại phim ngắn. Bộ phim hấp dẫn bởi sự hồn nhiên, trong trẻo, và chính niềm say mê làm việc vô tư của ông Điều đã tự thấm vào người xem mà không khiên cưỡng.