Câu chuyện một tình yêu

NDO - Là người tài hoa, có uy tín trong giới nghiên cứu khoa học, từng nhiều năm giữ cương vị Viện trưởng Viện Ðông - Nam Á, tuy nhiên ít ai biết giáo sư Phạm Ðức Dương có một đời sống tình cảm khá đặc biệt. Nay tuổi đã cao, tình yêu giữa ông và người vợ chung thủy vẫn nồng ấm như thuở ban đầu.
Vợ chồng GS Phạm Ðức Dương.
Vợ chồng GS Phạm Ðức Dương.

Ðám cưới mùa lũ

Bạn bè thân từng nhận xét: "Giáo sư Phạm Ðức Dương nghèo từ trong trứng nghèo ra". Ðiều này thật đúng. Khi còn là cậu học trò nghèo ở xã Tùng Ảnh, huyện Ðức Thọ (Hà Tĩnh), cậu có tuổi thơ đau khổ, ngập tràn nước mắt, nhưng những điều ấy đã hun đúc nên một con người đầy nghị lực. Sau này, ngay cả chuyện cưới vợ của chàng trai cũng khiến người thân và bè bạn ngậm ngùi, xót xa.

Giáo sư Dương cho biết, vào năm 1954, khi đang trong quân ngũ, ông được cấp trên - Ban cán sự Miền Tây - cho nghỉ phép về quê lấy vợ. Nhiệm vụ giúp ông tìm vợ được giao cho người phụ trách Hội Phụ nữ xã Tùng Ảnh lo liệu. Một buổi tối, bà tập hợp chị em thanh niên tại nhà văn hóa và giới thiệu về sĩ quan Phạm Ðức Dương, từng tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, cốt để cho "chàng" tìm một "nàng" ưng ý. Chàng thanh niên Phạm Ðức Dương được mời lên nói chuyện, vừa nói vừa quan sát. Sáng hôm sau chàng trai ngồi nhà thổi kèn Amônica, bỗng đâu, có một cô gái xuất hiện, không quá xinh nhưng có duyên, đôi mắt như hai giếng nước. Hai người ngồi nói chuyện, làm quen. Cô gái đó chính là bà Phạm Thị Tý. Rồi Phạm Ðức Dương lại vào chiến trường, thư từ qua lại với cô gái rồi thương nhau lúc nào chẳng biết. Họ hứa hẹn, trao niềm tin rồi ngỏ lời yêu nhau.

Thời gian thấm thoắt trôi, phải đến hai năm sau, 1956, chàng trai xin nghỉ phép, đi bộ mấy trăm cây số về nhà cưới vợ. Ðó lại đúng vào dịp Hà Tĩnh mưa lớn, nhiều vùng ngập sâu trong biển nước. Vị giáo sư nói: "Hôm đó, tôi khoác ba-lô về đến nhà thì 10 giờ đêm, đúng lúc trời bắt đầu nổi bão. Ðó là trận bão lớn chưa từng có diễn ra ở đất Hà Tĩnh. Cây gãy, nhà đổ nhưng thời gian không có nhiều, hai bên gia đình vẫn phải gấp rút tổ chức. Tôi đi mời, phải lội nước đến ngực mà đi".

Do ở gần nhà in, Phạm Ðức Dương được bạn bè in tặng 100 thiệp mời đen trắng. Ðám cưới đạm bạc cũng được tổ chức trong mùa mưa lũ. Cô dâu tủi thân khóc nhiều, còn chú rể tin vào một tương lai tươi sáng ở ngày mai nên khá phấn chấn. Bạn bè cùng đơn vị, hàng xóm và người thân thương tình, người tặng nhẫn, người cho quần áo. Khách đến được thưởng thức ba thứ là trầu, nước chè và thuốc lá cuộn. Có một chuyện mà bây giờ nghĩ lại, vị giáo sư vẫn thấy vui và cười ứa nước mắt. Ðó là hôm cưới, do nước dâng cao, chưa kịp đến Ủy ban xã làm giấy đăng ký kết hôn. Cán bộ xã hôm đó cũng được mời đến, ông dắt con dấu sau lưng đi dự đám cưới, tại đó đóng dấu đăng ký kết hôn cho đôi bạn trẻ rồi ngồi uống nước chè xanh. Bà Phạm Thị Tý bồi hồi nhớ lại: "Khi đó, dù quyết tâm lấy anh Dương, nhưng vì nghèo quá nên cũng thấy tủi thân. Giờ nghĩ lại, thấy đó là đám cưới thật ngộ. Chỉ lèo tèo ít người nhưng lại bị mưa ướt. Nhất là ông cán bộ xã, sự xuất hiện của ông ấy khiến ai cũng phì cười, rồi thấy thương cho chúng tôi".

Cưới xong được mấy ngày, chàng sĩ quan lại lên đường làm nhiệm vụ, để lại người vợ trẻ nơi quê nhà cũng hăng hái tham gia công tác hậu phương. Ngày tháng đằng đẵng trôi, nhiều khi nhớ vợ, Phạm Ðức Dương cố về nghỉ phép một ngày rồi lại vội vã lên đường. Có lần, mới mua được một chiếc xe đạp, chàng trai tức tốc vượt mấy trăm cây số về thăm vợ, đến nhà thì chiếc xe đạp mới gần như tan tành.

Trả ơn vợ bằng những việc làm cụ thể

Chồng là giáo sư, vợ chỉ là một người nông dân, tuy về trình độ có phần "lệch pha", nhưng tâm hồn ông Dương và bà Tý lại đồng điệu. Mấy chục năm, bà là "hậu phương" cho chồng đi chiến đấu, học tập, nghiên cứu và công tác. Biết bao khó khăn gian khổ đổ lên đầu, đôi khi cũng không tránh khỏi những lúc tủi phận. Nay về già, bà Tý vẫn hằng ngày chăm lo cho chồng, con và các cháu mà không một lời ca thán. Hỏi chuyện, tôi được giáo sư tâm sự rằng, bà Tý là một người phụ nữ đã hy sinh để làm nên tên tuổi của đời ông.

Khi giáo sư Phạm Ðức Dương về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ðông - Nam Á, có người đề nghị ông "kéo" vợ về làm việc để sau này có lương hưu cho đỡ khổ. Lúc đó, giáo sư nghĩ, ở viện toàn liên quan đến nghiên cứu, vợ mình chỉ là một người nông dân, có vào làm việc thì chỉ có mỗi... chức tạp vụ. Như thế thì chẳng tiện chút nào. Ông đã động viên vợ: "Em cứ ở nhà chăm sóc gia đình, chuyện kinh tế để anh lo cả. Mình đã khó khăn nhiều rồi, khó khăn chút nữa cũng đâu có sao!".

Hàng chục năm qua lúc nào ông cũng nghĩ đến chuyện phải báo đáp ơn vợ. Ông luôn nghĩ cách thực hiện bằng việc làm cụ thể. Có lần ra nước ngoài, ông mua một lúc năm chiếc áo dài về tặng vợ. Ðược chồng quan tâm, bà Tý mừng lắm. Nhưng bà hiếm khi đi đâu, giao lưu với ai mà chỉ ở nhà nội trợ. Như vậy, có áo dài cũng chẳng có cơ hội mặc diện. Ðể vợ đỡ tủi thân, giáo sư đã phải đưa vợ đi cùng trong những chuyến dạy học xa, những buổi thết đãi để bà có cơ hội mặc áo dài, giao lưu cho đỡ tủi. Lúc chúng tôi chào giáo sư ra về, lại nghe thấy bà nhắc chồng: "Ông chuẩn bị uống sữa cho nóng nhé, tôi pha rồi đó".

* Vị giáo sư tâm sự: "Tôi cưới xong là quay lại đơn vị luôn, rồi thi thoảng về, may mắn cũng có ba mặt con. Vợ tôi cứ mang thai rồi sinh ra, rồi tự nuôi dạy. Bà ấy kể cho con nghe về bố, và chúng nó chỉ biết bố mình là một "chú bộ đội". Thế hệ của chúng tôi là thế hệ "chồng hờ". Có người cưới vợ xong là đi đánh giặc, được gặp vợ hai lần rồi hy sinh, chẳng biết mặt con...".