Bắt đầu hành trình mới

Có thể coi trở về đã là được tái sinh, đối với các nạn nhân của hình thức tội phạm mua bán người (MBN). Song, họ còn cần rất nhiều sự hỗ trợ khác nữa, để có thể thật sự bắt đầu một hành trình sống mới.

Bắt đầu hành trình mới

Cánh cửa hồi sinh

Ngày 17-7-2015, em H.T.D (sinh năm 2002), người dân tộc H’Mông, sống tại huyện Mường Chà, tỉnh Ðiện Biên, được gia đình khai báo mất tích. Gia đình phối hợp cùng Công an huyện Mường Chà tìm khắp nơi nhưng không thấy. D cứ thế biệt tăm. Chị H - cán bộ Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Ðiện Biên, ngay khi biết chuyện, đã gọi điện thông báo với Ðường dây nóng phòng, chống MBN (số hotline: 111).

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên tư vấn (NVTV) của Ðường dây nóng đã kết nối trực tiếp với Phòng Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tỉnh Ðiện Biên. Ðến ngày 15-3-2016, thật may, có tin quan trọng: Trưa 13-3, em D đã gọi về Việt Nam cho bố. Hóa ra em bị bạn trai lừa bán sang Trung Quốc. Ở nơi đất khách quê người, lại không biết tiếng nên em không rõ mình đang ở đâu, phải liều mình lén lút gọi về, nghẹn ngào cầu cứu bố. NVTV ngay lập tức liên hệ với Sở LÐ-TB&XH tỉnh Ðiện Biên, đề nghị Sở có công văn tới PC45 để định vị D thông qua số điện thoại.

Ðến ngày 18-3, thông tin vị trí của em D được xác định, kế hoạch giải cứu em nhanh chóng được triển khai thành công. Nhưng D không trở về một mình. Em đã mang thai được hai tháng. Ðầu tháng 5-2016, hai mẹ con D về đến Việt Nam an toàn.

Suốt quá trình D mang thai, sinh con và chăm sóc em bé, NVTV của Ðường dây nóng vẫn luôn đồng hành cùng em. Họ phối hợp cùng ngành LÐ-TB&XH địa phương hỗ trợ về tâm lý, hướng dẫn gia đình D cách chăm sóc để em có thể vượt qua những sang chấn tâm lý, ổn định cuộc sống bình thường. Ðường dây nóng đã liên hệ với địa phương làm hồ sơ để em D được nhận chế độ bảo trợ xã hội hằng tháng dành cho mẹ đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo.

Nguyện vọng của D sau khi sinh con là được tiếp tục con đường học tập còn dang dở. Một tổ chức bảo trợ xã hội đã hỗ trợ hoàn toàn sinh hoạt phí và học phí để em xuống Hà Nội học. D được ở nhà nội trú, hằng ngày đi xe buýt tới trường, em bé tạm thời do ông bà ngoại chăm sóc.

Cần một mạng lưới, cần một nhịp cầu

D là một trường hợp may mắn hiếm hoi, trong rất nhiều nạn nhân của tội phạm MBN.

Tại buổi Hội thảo tham vấn Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NÐ-CP ngày 11-1-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống MBN, diễn ra ngày 26-6-2020, Thứ trưởng LÐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhận định: "Nạn nhân bị mua bán trở về thường có tâm lý mặc cảm, hoàn cảnh khó khăn, học vấn thấp, tâm lý thường hay thay đổi, thiếu định hướng. Nhiều trường hợp nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về không có giấy tờ tùy thân, không tư trang, hành lý hoặc không khai báo, hợp tác với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Vì vậy, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác xác minh, xác nhận nạn nhân, tiếp cận, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề…".

Ông Nguyễn Xuân Lập, chuyên gia tư vấn, nguyên Cục trưởng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LÐ-TB&XH) cũng nêu ý kiến góp ý: "Việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân cần nghiên cứu tích hợp với các cơ sở bảo trợ xã hội ở địa phương để tiết kiệm kinh phí và có hiệu quả trong thực tế. Về chế độ hỗ trợ như: khẩn cấp ban đầu, nhà ở, vay vốn, học nghề... cần nghiên cứu để phù hợp với các chính sách về bảo trợ khác, với tinh thần không thấp hơn mức hiện có".

Có thể thấy, nhiều chính sách và mạng lưới các tổ chức nhằm giúp đỡ các nạn nhân của loại hình tội phạm MBN đang được hoàn thiện. Thế nhưng, không phải ai trong số họ cũng hiểu và biết cách tìm đến sự trợ giúp của mạng lưới này để vững vàng hơn trong hành trình làm lại cuộc đời. Thực tế đó cho thấy, cần nhiều hơn những phương thức, cách làm và cả tấm lòng, để sự hỗ trợ đến được kịp thời với những mảnh đời kém may mắn ấy, giúp họ vượt khó khăn, làm lại cuộc đời.

Số lượng nạn nhân MBN sau khi được giải cứu trở về tuy ít, nhưng mang hầu hết những điểm đặc thù của nhóm yếu thế.