Yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng

Trong giai đoạn họp trực tuyến của kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV lần này, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) thu hút sự quan tâm của cử tri và nhiều đại biểu QH.

Từ kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV (diễn ra năm ngoái) đến các phiên họp gần đây của Ủy ban Thường vụ QH và cơ quan thẩm tra dự án luật, rất nhiều nội dung mới của dự án luật nêu trên được xem xét kỹ lưỡng, đặt trên bàn nghị sự những quy định mới được xem là giải pháp giải quyết những vướng mắc, bất cập trong hoạt động GĐTP, để hoạt động tố tụng hình sự trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng đạt hiệu quả cao. Vừa qua, các đại biểu QH thảo luận, đóng góp ý kiến các vấn đề cụ thể, trong đó nổi lên việc bổ sung chức năng GĐTP cho “Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao” trong dự thảo Luật.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH ngày 16-5-2020, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho tiếp thu theo hướng bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND tối cao” là một trong các tổ chức GĐTP công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể được đề cập tại khoản 4, khoản 5, Điều 12 dự thảo Luật. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, đa số ý kiến đại biểu QH tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung, cho rằng việc sửa đổi lần này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn GĐTP, nhất là việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, trong các vụ án mà giá trị tài sản là căn cứ xác định thời hạn xét xử, có tính quyết định việc xác định khung hình phạt như buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm, nhóm tội có yếu tố chiếm đoạt... nếu việc định giá kéo dài tất yếu dẫn đến phải gia hạn hoặc tạm đình chỉ vụ án, chờ kết luận định giá tài sản từ hội đồng định giá. Có trường hợp, tòa án chờ đợi lâu mà chưa có kết luận của cơ quan giám định cho nên không có cơ sở tiếp tục giải quyết vụ án. Điểm vướng mắc khác là trong nhiều vụ việc phải giám định nhiều lần với kết quả khác nhau, kết luận GĐTP trong một số trường hợp chưa thật sự chính xác, khách quan, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử...

Nhiều chuyên gia pháp luật, đại biểu QH cũng chỉ rõ, trong quá trình giải quyết một số vụ án phức tạp liên quan GĐTP, sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong hoạt động GĐTP chưa chặt chẽ. Ngoài ra, thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh với các tổ chức thực hiện GĐTP ở Trung ương chủ yếu còn mang tính sự vụ trong quá trình thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể của một cơ quan, chưa có tính tổng thể, toàn diện, kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Được biết, Chính phủ đã cân nhắc kỹ về vấn đề này dựa trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay. Đáng chú ý, từ ngày 1-1-2020, theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, các cơ quan tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc. Nội dung quy định mới đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng trong việc giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Trong quá trình thực hiện những quy định mới của hệ thống pháp luật, Viện KSND tối cao thực hiện điều tra tội danh trong đó chủ yếu về tội tham nhũng trong hoạt động tư pháp. Trước xu hướng gia tăng của loại tội phạm này những năm gần đây, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng nhu cầu công tác giám định về dữ liệu điện tử sẽ tăng thêm. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định việc sử dụng chứng cứ là các dữ liệu điện tử, quy định các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử... sẽ làm phát sinh số lượng lớn yêu cầu giám định để giải quyết vụ án. Vì vậy, việc bổ sung cơ quan giám định sẽ có thêm sự lựa chọn để bảo đảm việc giám định nhanh chóng, khách quan, tạo điều kiện sớm xác định chứng cứ, tài liệu phục vụ quá trình điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc.

Qua báo cáo đánh giá tác động gần đây của cơ quan chủ trì soạn thảo, quy định mới về tổ chức GĐTP không làm tăng biên chế chung của ngành KSND; không tác động tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức trong xã hội; không làm phát sinh thủ tục hành chính và không xung đột với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo Ủy ban Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu QH trước khi trình QH biểu quyết thông qua dự án Luật; giúp tạo ra bước chuyển rõ nét khắc phục tình trạng chậm trễ, tiến độ xử lý những vụ án, vụ việc về kinh tế rất phức tạp, liên quan lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng hoặc những vụ án liên quan lĩnh vực xã hội được dư luận quan tâm trong thời gian qua.