Xử lý nghiêm các hành vi phản cảm nơi công cộng

Dư luận báo chí và mạng xã hội nước ta đã nhiều lần chỉ trích, phê phán những hành vi, việc làm phản cảm trong các hoạt động tại nơi công cộng, các điểm du lịch, tham quan và không ít lần các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý.

Tuy nhiên, những cảnh báo dường như chưa đủ hiệu quả dẫn đến các hành vi, việc làm xấu xí đó vẫn tiếp diễn thời gian qua. Mới đây nhất, một nhóm 20 khách du lịch nữ ở độ tuổi ngoài 30 cùng nhóm nhiếp ảnh đến chùa Linh Quy Pháp Ấn tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) tham quan, chụp ảnh, nhưng mặc quần áo tập yoga bó sát người, hở bụng, hở lưng. Họ cười đùa, nói chuyện ồn ào, thậm chí cởi bớt trang phục, tạo dáng trong các bài tập để chụp ảnh tại khu vực cổng trời tôn nghiêm. Cách đó không lâu, một nhóm người ăn mặc hở hang, trang điểm dị hợm, biến thái đã có những hành vi biểu diễn lố lăng, lệch chuẩn ngay sát chợ đêm nổi tiếng của thành phố Đà Lạt, nơi tập trung đông khách du lịch. Tham gia buổi biểu diễn này có cả một ê-kíp quay phim, chụp hình và sau đó vi-đê-ô clíp được tung lên mạng xã hội để “câu view, câu like” gây nhiều phẫn nộ, bị lên án mạnh mẽ. Trước đó, một cặp đôi với cả nhiếp ảnh gia được nhiều người biết đến đưa cả chăn gối và trang phục phòng ngủ đêm tân hôn ra giữa phố đông người ở những địa điểm nổi tiếng, mang tính văn hóa, lịch sử của Hà Nội để thực hiện bộ ảnh kỷ niệm ngày cưới. Thậm chí tác giả của bộ ảnh này còn giải thích trên mạng xã hội về ý tưởng về một tình yêu chân thành, bình yên bên nhau và bất cần dư luận, khiến “dân mạng” lại nổi sóng chỉ trích.
 
 Những hiện tượng nêu trên chỉ là đơn lẻ, song thật đáng suy nghĩ và lưu tâm khi những hành vi đáng phê phán đó lại được nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhận thức và văn hóa ứng xử rất thấp của một bộ phận xã hội, trong đó có giới trẻ. Họ mong muốn thể hiện và thỏa mãn cái tôi một cách bản năng và thái quá, bất chấp sự lố bịch, thiếu văn hóa. Bên cạnh đó là ý đồ vụ lợi, thu hút sự chú ý để quảng cáo. Dường như họ quên rằng nơi công cộng, di tích, địa điểm tôn giáo là nơi mỗi cá nhân cần tuân theo những quy định chung hoặc tôn trọng những nguyên tắc đạo đức, ứng xử, thể hiện văn hóa và nếp sống văn minh của cộng đồng. Họ cần hiểu mọi sự tự do cũng cần có giới hạn và không thể có những hành vi, việc làm cá nhân tùy tiện, ảnh hưởng đến mọi người, tác động xấu đến xã hội.
 
 Chúng ta không dung dưỡng, chấp nhận những hành vi phản cảm, không phù hợp văn hóa và xã hội Việt Nam, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nếu không ngăn chặn, những hành vi ấy sẽ dễ trở thành điều bình thường, nhất là trong con mắt giới trẻ. Thực tế việc buông lỏng quản lý, để hình ảnh những “giang hồ mạng” lộng hành qua các vi-đê-ô clíp đã cho thấy hiệu ứng thu hút sự chú ý và theo dõi, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức cũng như lối ứng xử, tạo thành một trào lưu bắt chước của không ít người thời gian qua. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng với các mức phạt rõ ràng với những vi phạm. Thế nhưng, chính quyền và cơ quan chức năng ở các địa phương vẫn còn buông lỏng quản lý, xử lý khá nương tay đối với những người có hành vi, biểu hiện phản cảm nơi công cộng, nhiều khi dư luận phản ánh thì mới biết và rồi cũng chỉ nhắc nhở, cho nên tạo ra độ nhờn với các quy định. Đã đến lúc, không chỉ nhắc nhở lên án, phê phán, cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, xử phạt nghiêm minh, làm gương trong các vụ việc để không cho tái diễn. Điều thường xuyên phải làm là tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, nâng cao nhận thức để hình thành lối ứng xử phù hợp.