Xây dựng đô thị văn minh

Những năm gần đây, bức tranh kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nước ta đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Các địa phương đã tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội nông thôn phục vụ đời sống, sản xuất của người dân theo hướng hiện đại, gắn với phát triển đô thị.

Triển khai có hiệu quả dồn điền đổi thửa, xây dựng các mô hình liên kết. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết, an ninh trật tự, an sinh xã hội được bảo đảm. Thu nhập của người dân được cải thiện, nâng cao. Diện mạo nông thôn thay đổi khang trang, sạch đẹp. Ðời sống vật chất, tinh thần và niềm tin của người dân vào Ðảng, Nhà nước ngày một tăng.

Cũng trong khoảng thời gian đó, tại khu vực đô thị, ngoại trừ một số mặt như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, thì nhiều mặt của đời sống chuyển biến chậm hơn so với khu vực nông thôn. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những vấn đề như: tắc đường, quá tải hạ tầng xã hội, bán hàng rong... vẫn tiếp tục diễn ra mà chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội, tập quán sinh hoạt ở khu vực nông thôn và đô thị không giống nhau, song chương trình xây dựng nông thôn mới để lại nhiều bài học bổ ích trong phát triển đô thị. Trên thực tế, cách đây bảy năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 02/2013/TT-BVHTTDL quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị", "Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị". Thông tư quy định các tiêu chuẩn để được công nhận là phường, thị trấn "đạt chuẩn" như: Quản lý kiến trúc, xây dựng theo quy hoạch; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị và các tiêu chí về phong trào văn hóa, thể thao, thực hiện các chủ trương chính sách của Ðảng, Nhà nước… Tuy nhiên, sau đó, hầu như không có địa phương nào triển khai được nội dung này một cách đầy đủ. Thông tư dần bị chìm vào quên lãng.

Việc đề ra những tiêu chuẩn ở Thông tư 02 để xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là cần thiết. Thế nhưng, chúng ta cần một "xung lực mới" trong xây dựng, phát triển đô thị. Trước hết, thay vì một thông tư cấp bộ, chúng ta nên nâng tầm thành một chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp đó, cần đánh giá ưu điểm, nhược điểm các tiêu chuẩn của Thông tư 02 và xây dựng bộ tiêu chí mới sao cho phù hợp. Bộ tiêu chí mới cần tập trung vào những vấn đề "nóng" của đô thị. Về hạ tầng, có thể đó là tiêu chí về tuyến phố không có hộ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; tiêu chí không có "điểm đen" về giao thông; tiêu chí về diện tích cây xanh theo đầu người...; về văn hóa, xã hội, nên đề ra tiêu chí về tỷ lệ đầu người/ diện tích không gian văn hóa (sân chơi, nhà văn hóa); về môi trường, là tiêu chí về phân loại, xử lý rác thải, hạn chế sử dụng rác thải nhựa... Khi địa phương nào đạt được những tiêu chí nêu trên thì sẽ được công nhận danh hiệu.

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, không ít đơn vị đã "kêu khó". Thế nhưng, đây là chương trình buộc phải thực hiện, và vì thế, các địa phương đều phải huy động sức mạnh về vật chất, trí tuệ của cả hệ thống chính trị, nhân dân địa phương; kết hợp với nguồn lực hỗ trợ từ cấp trên. Ðó là mấu chốt của thành công mà 10 năm trước, chúng ta khó có thể hình dung được. Một chương trình tương tự như xây dựng nông thôn mới ở khu vực đô thị, nếu đi đúng hướng, sẽ huy động được sức mạnh trí, lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tạo đột phá, tạo nên động lực thi đua giữa các địa phương trong phát triển đô thị.