Vẫn là... “nhất nước...”

Những ngày này, về với các địa phương nông nghiệp ở Khánh Hòa, cảnh tượng hàng loạt mảnh ruộng bị bỏ khô, nứt nẻ, quắt queo cứ khiến lòng người đau xót. Đâu rồi, một mầu xanh non tơ của lúa đương thì con gái? Ruộng đã khô. Lúa đã chết. Đời sống người nông dân lâm cảnh khó khăn. Theo số liệu của ngành nông nghiệp địa phương, do nắng hạn, thiếu nước, nên trong số gần 19.000 ha lúa hè thu năm 2020 theo kế hoạch, toàn tỉnh chỉ gieo sạ được 5.126 ha; còn lại khoảng 14.000 ha phải bỏ vụ. 

Tại Khánh Hòa hiện đã xuất hiện hình thức khí hậu cực đoan, và Khánh Hòa là 1 trong 9 tỉnh của Việt Nam phải gánh chịu nặng nề nhất thảm họa biến đổi khí hậu. Chưa có năm nào Khánh Hòa hạn nặng như năm nay. Khả năng hạn hán có thể tái diễn trong những năm tới, với mức độ ngày càng khốc liệt hơn. Trước thực tế đó, số phận của hơn 14.000 ha ruộng lúa nêu trên sẽ ra sao? Cứ đà này, khả năng bỏ vụ trong những năm sau là rất cao. Cho nên, Khánh Hòa cần sớm thực hiện rà soát số diện tích ruộng lúa phải bỏ vụ để có hướng chuyển đổi sản xuất phù hợp. 

Thực tế, từ năm 2015, tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2016 - 2020, xác định đến năm 2020 chuyển đổi 2.444 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Thế nhưng, đến năm 2020 lại có đến 14.000 ha ruộng lúa phải bỏ vụ, không sản xuất. Hai con số ấy nói lên điều gì? Công tác dự báo chưa thật tốt, thật sát hay là chỉ mới có mấy năm, biến đổi khí hậu đã có tác động lớn đến như vậy?

Chuyển đổi sản xuất để thích ứng biến đổi khí hậu, do đó, đang là vấn đề cấp bách. Chuyển đổi thế nào, cơ cấu cây trồng vật nuôi ra sao, giải pháp gì cho phù hợp, hiệu quả... hiện vẫn là những câu chuyện cần bàn. Song câu chuyện về thủy lợi là nóng bỏng hơn hết. Lâu nay, người dân Khánh Hòa vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước từ ao, hồ để phục vụ trồng trọt. Mùa khô, nước khan hiếm, nếu không chủ động được nguồn nước tưới thì việc chuyển đổi cây trồng sẽ khó thực hiện được, nếu không muốn nói là không thể. Không có nước tưới thì không thể bàn đến chuyện áp dụng khoa học công nghệ, giống cây trồng mới, xây dựng thương hiệu... “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là vậy. 

Khánh Hòa có rất nhiều sông. Cứ 70 km có một cửa sông. Nhưng lại thiếu nước nghiêm trọng. Đây là một nghịch lý. Dù đã có sự đầu tư nhưng hạ tầng thủy lợi ở Khánh Hòa còn hạn chế. Thời gian tới, với tốc độ phát triển cao của các khu công nghiệp, các khu đô thị, vấn đề thiếu nước ở Khánh Hòa sẽ còn trầm trọng hơn. Tư duy về thủy lợi, do đó, cần sớm được đổi mới. Thủy lợi không chỉ cung cấp nước cho ruộng lúa mà phải cung cấp cho tổng thể xã hội. Do đó, đầu tư cho thủy lợi không chỉ phục vụ  trồng trọt, chăn nuôi mà còn đáp ứng yêu cầu về nước sinh hoạt cũng như các mục đích khác.

Người dân đang trông chờ một kịch bản tốt ứng phó biến đổi khí hậu, với những nhóm giải pháp căn cơ, cụ thể về trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi..., để ruộng đồng không bị bỏ khô trong nắng hạn. Và, cũng để nhân dân không phải thấp thỏm, lo lắng vì... thiếu nước.