Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên khi tham gia giao thông

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Ngay sau khi luật có hiệu lực, lực lượng cảnh sát giao thông ở nhiều địa phương đã ra quân kiểm tra, đo nồng độ cồn và xử phạt những người vi phạm.

Có thể thấy một thực tế rằng, sau khi luật chính thức đi vào cuộc sống, đường phố đã trở nên an toàn hơn và số ca cấp cứu do tai nạn giao thông có nguyên nhân từ rượu, bia đã giảm mạnh. Hầu hết người dân đồng tình ủng hộ nhưng vẫn có những băn khoăn nhất định, trong đó, “nóng” nhất là vấn đề: Liệu quy định này có được thực hiện công bằng với tất cả mọi người hay không?

Lâu nay, hễ xảy ra các vi phạm về an toàn giao thông, bị cảnh sát kiểm tra, xử lý là… nhiều người bị kiểm tra lại có hành vi “gọi điện thoại cho người thân”. Điện thoại để nhờ vả, xin xỏ không bị phạt, hoặc bị phạt với mức độ nhẹ. Đôi khi, có cả trường hợp nhờ cán bộ cấp cao hơn tác động đến lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Trong số những người “hễ bị xử lý là gọi điện thoại” có không ít cán bộ, công chức, đảng viên. So với các quy định chung về xử lý vi phạm khi tham gia giao thông, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đưa ra những mức xử phạt rất nặng. Ở mức độ cao nhất, người lái xe ô-tô có thể bị xử phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến hai năm. Bởi vậy, nguy cơ một số cán bộ, công chức, đảng viên tận dụng “quan hệ” để tránh mức phạt cao khi xảy ra vi phạm lái xe sau khi sử dụng rượu, bia là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đảng ta đã có quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Trong đó, cán bộ, đảng viên không những phải nêu gương trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thực hiện chức trách, nhiệm vụ…, mà còn phải nêu gương trong sinh hoạt hằng ngày. Tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, một trong những nội dung quan trọng mà đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương là việc triển khai thực hiện Kế hoạch Năm an toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Đồng chí nhấn mạnh việc vận động cán bộ, đảng viên, công chức nêu gương cùng toàn dân thực hiện chủ đề Năm an toàn giao thông. Chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” được triển khai rất đúng thời điểm, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó chú trọng phòng ngừa tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia đang từng bước đi vào cuộc sống.

Với những chính sách, quy định mới, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên càng trở nên cần thiết, nhất là khi vẫn còn những băn khoăn, thắc mắc trong quần chúng. Kinh nghiệm cho thấy, ở đơn vị nào, địa phương nào cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nêu gương, thì ở đó, những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Bởi vậy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nên coi việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, thực hiện chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” là cơ hội để thể hiện vai trò nêu gương của mình khi tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm trước pháp luật. Nếu cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, một nét văn hóa mới sẽ hình thành và lan tỏa trong quần chúng nhân dân. Cùng với đó, cũng góp phần chấm dứt tình trạng “hễ bị xử lý vi phạm giao thông là gọi điện thoại”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên.