Tuân thủ quy định trong khai thác hải sản

Báo cáo cuối cùng của đợt thanh tra hồi giữa tháng 11-2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhận định: Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần đầu (tháng 5-2018) và đang đi đúng hướng. Nhưng tấm “thẻ vàng” mà ngành thủy sản phải đeo trong hai năm qua vẫn chưa được gỡ bỏ.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất bị EC “tuýt còi” vì IUU. Từ năm 2012 đến 2017, có 25 nước đã bị EC cảnh báo thẻ; trong đó, có 19 nước bị cảnh báo “thẻ vàng” và sáu nước bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Đến nay đã có 14 nước gỡ được thẻ, trong đó Phi-li-pin chỉ sau 11 tháng, còn Thái-lan phải sau bốn năm.

Với những điều kiện tương đồng, chúng ta cần tham khảo học hỏi kinh nghiệm từ hai quốc gia láng giềng kể trên trong việc “gỡ thẻ”. Đồng thời cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa việc khai thác hải sản trên tất cả các phương diện từ pháp lý, kỹ thuật, đến quản lý, truy xuất nguồn gốc... Cần triển khai áp dụng khung pháp lý mới một cách đồng bộ, hiệu quả, kết hợp với tăng cường công tác giám sát việc thực hiện trên thực tế; tiếp tục rà soát, ghi nhận các vấn đề phát sinh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đối với hoạt động theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, cần bảo đảm thực thi đầy đủ các quy định về kiểm soát sản phẩm thủy sản, quy định ra, vào cảng của các tàu nước ngoài; xây dựng, bổ sung quy trình thẩm định thông tin do tàu nước ngoài cung cấp. Bảo đảm thực hiện các quy định về kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát thủy sản qua cảng được thực hiện đồng đều tại tất cả các tỉnh ven biển, nguồn nhân lực và kế hoạch giám sát dựa trên quản lý rủi ro cần được điều chỉnh phù hợp với sản lượng lên bến. Hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên và triển khai toàn diện quy trình để theo dõi, kiểm soát hiệu quả đội tàu này.

Tăng cường quản lý đội tàu khai thác, đánh bắt hải sản; đánh giá nguồn lợi hải sản định kỳ 3 năm/lần. Xây dựng các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm cân bằng đội tàu khai thác với hiện trạng nguồn lợi hải sản; xây dựng lộ trình giảm tàu, cấp hạn ngạch khai thác đối với một số loài/nhóm loài, hoặc hạn chế ngày khai thác trên biển…

Trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc và chứng nhận khai thác hải sản từ khai thác, cần cải thiện quy trình đang thực hiện để kiểm soát quy trình truy xuất nguồn gốc tại các nhà máy chế biến, và giám sát được nguồn nguyên liệu chứng nhận được sử dụng tại các nhà máy chế biến; bổ sung các quy trình để kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu…

Một trong những lĩnh vực cần được chú trọng thực hiện là, về thực thi pháp luật, cần xây dựng, áp dụng chế tài xử phạt các tàu cá cố tình vi phạm, tái phạm IUU; đưa vào danh sách theo dõi chặt chẽ các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đông đảo ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp đều nhận thức rõ hậu quả pháp lý nếu cố tình vi phạm IUU.

Theo dự kiến, khoảng giữa năm 2020, Đoàn Thanh tra EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam để kiểm tra lần ba tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU. Từ nay đến thời điểm đó, chúng ta cần tích cực, chủ động triển khai các giải pháp nhằm khắc phục triệt để những vấn đề còn hạn chế, vi phạm IUU, đưa việc khai thác, đánh bắt hải sản vào nền nếp, tuân thủ đúng quy định để gỡ tấm “thẻ vàng” của ngành thủy sản…