Từ trào lưu đến nếp sống

Nếu ai đó hỏi về trào lưu "Thử thách dọn rác", hẳn nhiều người sẽ giật mình, không hiểu trào lưu này bây giờ ra sao. Thậm chí nhiều người không còn nhớ có khái niệm này. Nhưng nếu ngược thời gian cách đây gần nửa năm, "Thử thách dọn rác" đã gây "bão" trong cộng đồng.

Ðầu tháng 3-2019, một thanh niên người Mỹ đăng ảnh trên Facebook về một địa điểm đầy rác và địa điểm ấy khi được dọn dẹp sạch sẽ. Anh gọi đó là "Thử thách dọn rác". Hơn một tuần sau, "Thử thách dọn rác" tràn đến Việt Nam, giới trẻ hào hứng hưởng ứng. Thanh niên từ nam chí bắc đua nhau dọn sạch những bãi biển, con kênh, hay những khu đất tích tụ rác thải lâu ngày… Họ chụp ảnh khu vực ngập rác, những bạn trẻ "ra quân" làm sạch môi trường và hình ảnh sạch bong khi rác được dọn sạch. "Thử thách dọn rác" có sức lan tỏa mạnh nhờ hiệu ứng của mạng xã hội. Thậm chí, có trường học huy động cả học sinh tiểu học tham gia dọn rác khiến nhiều người xúc động. Rất nhiều người đã kỳ vọng "Thử thách dọn rác" góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo vệ môi trường.

Nhưng chỉ vài tháng sau, nó đã gần như bị lãng quên. Không ít địa điểm được làm sạch nhờ trào lưu "Thử thách dọn rác", đã trở lại… bẩn như cũ.

Bây giờ, việc "nói không" với sản phẩm nhựa dùng một lần, như ống hút, túi ni-lông, chai nhựa… cũng đang rộ lên như một trào lưu. Không chỉ vận động người dân một cách chung chung, nhiều cơ quan ra hẳn văn bản chấm dứt việc sử dụng chai nước trong các cuộc họp; một số ngành yêu cầu hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy trong toàn hệ thống… Ðã có rất nhiều "phong trào", hay "lễ ra quân" chống rác thải nhựa được tổ chức ở khắp mọi miền. Hiệu quả khá rõ nét, khi nhiều nơi, việc sử dụng chai nhựa, túi ni-lông giảm đáng kể.

Tuy nhiên, hiệu quả ấy là nhất thời, hay có tính bền vững? Câu hỏi này không dễ trả lời. Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần là chuyện… rất cũ. Hàng chục năm trước, chúng ta đã vận động người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nhất là túi ni-lông. Nhưng sau những lễ ra quân, lễ phát động, hay những chương trình truyền thông, vận động rầm rộ, mọi việc hầu như vẫn đâu vào đấy. Thậm chí lượng rác thải nhựa chúng ta xả ra môi trường ngày càng tăng. Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và nằm trong nhóm những quốc gia dẫn đầu thế giới.

Những trào lưu nêu trên thường sôi nổi và thu hút nhiều người tham gia. Nhưng từ trào lưu đến thói quen, nếp sống là một câu chuyện dài. Những nếp sống tích cực thường khó hình thành hơn tiêu cực. Câu chuyện bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ nhận thức và ý thức của mỗi người. Nếu hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, nhưng lại lãng phí các tài nguyên thiên nhiên khác; lạm dụng khai thác, sử dụng các sản phẩm như đá tự nhiên, các loại gỗ quý, động vật hoang dã… hay xả thải ra môi trường nhiều chất độc hại… thì kết cục của môi trường cũng không thay đổi.

Cuộc sống luôn nảy sinh những trào lưu mới. Nắm bắt, định hướng những trào lưu tích cực trở thành thói quen, nếp sống là điều chúng ta cần làm, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực môi trường, sử dụng sản phẩm nhựa. Song, để làm được điều ấy, cần những cách làm thực chất, chứ không phải những cuộc ra quân, phát động đầy tính hình thức, lễ nghi.

Bài học từ "Thử thách dọn rác" vẫn còn. Nhiều người thực hiện "Thử thách dọn rác" không bởi ý thức về môi trường, mà vì muốn thu hút sự quan tâm của người khác trên mạng xã hội; hay một số đoàn thể, cơ quan thực hiện vì "bệnh thành tích". Cũng lại tránh một tâm lý bài bác, "chờ xem", coi nhẹ "kiểu phong trào ấy mà" là hệ lụy vô cảm trước cái hay cái mới, cái sáng tạo không dễ gì được đón nhận từ ban đầu.

Bởi lẽ, chúng ta không hướng đến gốc rễ của vấn đề, thì một trào lưu tích cực vẫn có thể "sớm nở, tối tàn".