Tôn vinh, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

Tại phiên họp toàn thể ngày 18-12-2014, Ðại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua một nghị quyết về việc tuyên bố ngày 15-7 hằng năm là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Ðây được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm đặc biệt của toàn cầu đối với đầu tư phát triển kỹ năng cho thanh niên.

Sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức và thảo luận về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo và phát triển các kỹ năng nghề phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn cầu; đồng thời sẽ góp phần giảm tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trong giới trẻ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề ở nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Có thể thấy, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động cả về số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm giúp thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng đến mục tiêu 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN.

Tại diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam lần đầu được tổ chức vào cuối tháng 11-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng từng khẳng định nguồn lực lớn nhất của chúng ta chính là con người. Thách thức lớn nhất Việt Nam phải vượt qua để trở thành quốc gia thịnh vượng là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có kỹ năng tay nghề cao. Có như vậy, mới tạo ra năng suất lao động vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững đất nước.

Với thực tế đó, ngày 28-5-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới - đây là chỉ thị đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam. Ðể thực hiện hiệu quả Chỉ thị, đòi hỏi các bộ, ngành và các địa phương phải tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Nội dung quan trọng cần được quan tâm hơn nữa là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển GDNN, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển đất nước; tăng cường gắn kết chặt chẽ ba “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật…

Tại Việt Nam, chúng ta đã có nhiều ngày kỷ niệm để tôn vinh người lao động trong một số lĩnh vực ngành, nghề. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một ngày cụ thể tôn vinh kỹ năng lao động ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Việc chúng ta chọn ra một ngày để làm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định giá trị cốt lõi và sức mạnh nền tảng của kỹ năng lao động; được xem là vấn đề rất cần thiết để hội nhập xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới; đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới.