Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) sáu tháng đầu năm 2020 của Bộ Tài chính cho thấy, số chi và thu NSNN đang cách xa, ngược cả hai chiều tăng - giảm.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình và được phê duyệt miễn, giảm nhiều loại thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, nâng mức giảm trừ gia cảnh, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19. Do đó, công tác thu ngân sách càng gặp nhiều khó khăn. Ở chiều ngược lại, xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc phải xây dựng cơ chế bảo đảm kinh phí và thu xếp nguồn ngân sách trung ương để thực hiện. Ðiều đó có nghĩa là, dù nền kinh tế khó khăn thế nào, NSNN bị đe dọa ra sao, vẫn phải chi tiêu để bảo đảm hoạt động của Nhà nước, của xã hội.

Với một nền kinh tế hội nhập sâu, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế, cho nên mặc dù đã sớm kiểm soát được dịch ở trong nước, nhưng ảnh hưởng của đại dịch đến nước ta vẫn rất nặng nề, tác động lớn đến cân đối thu, chi NSNN. Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, sáu tháng đầu năm, tổng thu NSNN ước chỉ đạt 44,2% dự toán, giảm tới 10,5% so cùng kỳ. Ðây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, và cả nước chỉ có 34 trong số 63 địa phương đạt tiến độ hơn 50% dự toán thu ngân sách. Với bức tranh cân đối thu chi NSNN như vậy, để vực dậy và thúc đẩy nền kinh tế, cần có các giải pháp cấp tốc, mạnh dạn, trong đó công tác giải ngân đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng. Sáu tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 33,1% dự toán (trong đó, ngân sách T.Ư chỉ đạt 28,6%, ngân sách địa phương chỉ đạt 30,7%), khá hơn so cùng kỳ năm 2019 nhưng nếu so với tổng vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 (bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang) thì chưa đạt yêu cầu, mới đạt gần 29% dự toán, riêng giải ngân vốn nước ngoài mới đạt 10,2% dự toán năm 2020.

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm ngành tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã một lần nữa phê bình và yêu cầu các chủ đầu tư là bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc hơn nữa trong thi hành kỷ luật sử dụng vốn ngân sách trong đầu tư công. Theo đó, cần giải quyết tình trạng nhiều lãnh đạo địa phương rất tích cực xin vốn đầu tư cho địa phương, nhưng khi được cấp vốn lại bỏ mặc, phó thác cho cấp dưới, dẫn đến tình trạng ùn ứ, không triển khai giải ngân nguồn vốn quý này. Chính phủ sẽ có cơ chế mạnh hơn đối với các địa phương xin vốn về rồi để không (đang tồn 700 nghìn tỷ đồng chưa giải ngân) và yêu cầu nơi nào, ngành nào không làm tốt sẽ điều chuyển nguồn vốn này sang nơi khác trong tháng 8. Cá nhân lãnh đạo cao nhất phải chỉ đạo và chịu trách nhiệm, xuống tận các dự án để tháo gỡ khó khăn. Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với nền kinh tế của đất nước hiện nay... Ðồng hành cùng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã nỗ lực, chủ động rà soát, sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư từ tiền kiểm sang hậu kiểm, rút ngắn thời gian kiểm soát từ bảy ngày xuống còn tối đa bốn ngày, đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy giải ngân vốn; tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ và địa phương sơ kết tình hình thực hiện giải ngân các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có các kiến nghị, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Với sự quyết liệt từ cấp Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, việc sử dụng vốn ngân sách chắc chắn sẽ có bước chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định kinh tế - xã hội của cả nước.