Tín hiệu tích cực

Thời gian vừa qua, sau khi lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước quyết liệt thực hiện việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, phải kể đến tai nạn giao thông (TNGT) được kéo giảm.

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho thấy, trong bảy ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (từ 29 Tết đến mồng 5 Tết), toàn quốc xảy ra 198 vụ TNGT, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kỳ bảy ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TNGT giảm cả ba tiêu chí: giảm 24 vụ (10,8%), giảm bảy người chết (5%), giảm 38 người bị thương (17,9%).

Qua nắm bắt nguyên nhân sơ bộ của các vụ TNGT cho thấy, do lái xe vi phạm nồng độ cồn là bốn vụ (chiếm 2%); vi phạm phần đường chiếm 18,4%; vi phạm tốc độ chiếm 6,8%; còn lại đang điều tra chưa rõ nguyên nhân. Những con số nêu trên cho thấy, các vụ TNGT có nguyên nhân do lái xe có sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể và chỉ còn chiếm số ít trong tổng số các vụ TNGT. Có được điều này vì trong hơn một tháng qua, việc triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ, được lực lượng CSGT các đơn vị, địa phương triển khai liên tục, thật sự nghiêm túc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tính từ ngày 1-1 đến 31-1, lực lượng CSGT đã xử lý 17.386 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 53 tỷ 155 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10.695 trường hợp, tạm giữ 17.386 phương tiện các loại. Trong đó, một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao, như: Thanh Hóa 970 trường hợp, Ðắk Lắk 914 trường hợp, Tây Ninh 886 trường hợp, Bắc Giang 789 trường hợp… Một số địa phương xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở như: TP Hồ Chí Minh 264 trường hợp, Cà Mau 257 trường hợp, Kiên Giang 212 trường hợp…

Những tín hiệu tích cực cho thấy, việc tăng cường xử lý tình trạng vi phạm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông là hết sức cần thiết, nhất là trong thời điểm hiện tại, khi TNGT vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân khi tham gia giao thông. Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, có những khoảng thời gian, thực trạng TNGT nhất là những vụ tai nạn gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ nguyên nhân người điều khiển ô-tô, xe máy sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và nguồn lao động, gây bức xúc trong xã hội. Do vậy, việc tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với tài xế còn thể hiện sự tiến bộ, văn minh, nhân văn của pháp luật.

Ðể tình trạng TNGT tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn nữa, đòi hỏi toàn lực lượng CSGT phải duy trì các kế hoạch, chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tại các địa phương qua thống kê có số trường hợp vi phạm nồng độ cồn còn ở mức cao cần có thêm các giải pháp thiết thực, đồng bộ để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, làm sao để tinh thần “đã lái xe thì không sử dụng rượu, bia” được thấm nhuần trong mỗi người dân. Ở các địa phương, vùng miền núi, sâu xa, nơi người dân có tập tục, truyền thống sử dụng rượu, công tác tuyên truyền càng phải đẩy mạnh hơn, qua đó bảo đảm việc áp dụng pháp luật được nghiêm minh, thống nhất giữa các vùng, miền. Cho đến thời điểm hiện tại, dù chưa có trường hợp nào khiếu nại, phản ánh nhưng trong công tác triển khai, lực lượng CSGT xử lý người vi phạm nồng độ cồn cần có chế tài thanh tra, kiểm tra thường xuyên để ngăn ngừa việc nảy sinh tiêu cực hoặc bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật của những người thực thi nhiệm vụ.

Một điều quan trọng để kéo giảm TNGT tối đa, đó là lực lượng CSGT cần bảo đảm việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được liên tục, không gián đoạn. Tránh xảy ra tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”. Có như vậy, Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 mới đi vào đời sống người dân, trở thành một biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa TNGT, nhất là tai nạn có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia.