Tìm giải pháp bình ổn giá vật tư nông nghiệp

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm và giá cả nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nhiều loại nguyên liệu đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thức ăn chăn nuôi... đồng loạt tăng giá khiến giá thành sản xuất bị đội lên, gây ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng.

Cụ thể, trước đây giá thức ăn chăn nuôi lợn dao động từ 230.000 đến 280.000 đồng/bao loại 25 đến 30 kg, thời điểm hiện tại tăng lên gần 400.000 đồng/bao cùng loại. Giá cám cho cá hiện đang bán ở mức khoảng 400.000 đồng/bao 25 kg, tăng hơn 70.000 đồng/bao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đối với mặt hàng phân bón, từ tháng 11-2020 đến nay, giá nhiều loại phân bón cũng đồng loạt tăng cao. Thí dụ, giá phân DAP tăng từ 8.600 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg (tăng 10,5%), giá u-rê tăng từ 7.100 đồng/kg lên 8.600 đồng/kg (tăng 21,1%), giá phân lân biến động nhẹ như lân nung chảy tăng từ 2.600 đồng/kg lên 2.650 đồng/kg (tăng 1,9%). Giá các loại thuốc BVTV cũng tăng từ 20 đến 30%...

Lý giải về nguyên nhân giá nhiều mặt hàng vật tư nông nghiệp thời gian qua liên tục tăng, cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nước ta phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, mỗi năm trong nước chỉ cung cấp được khoảng bốn triệu tấn cám, bốn triệu tấn sắn để làm nguyên liệu sản xuất, trong khi nhu cầu thực tế cần tới 27 triệu tấn các loại. Do không chủ động được nguồn nguyên liệu, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước dễ bị tác động bởi ngoại cảnh. Dịch Covid-19 khiến ngành vận tải gặp khó khăn. Để kiểm soát dịch, bệnh, nhiều nước tạm dừng hoạt động này cho nên gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Khan hiếm nguồn cung, giá nhiều nguyên liệu đầu vào bị đẩy lên, giá thức ăn chăn nuôi trong nước từ đó tăng cao. Hay đối với ngành phân bón, giá nguyên liệu sản xuất phân bón như: khí NH3, lưu huỳnh, cùng với giá dầu, chi phí vận chuyển tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng khiến giá các loại phân u-rê, DAP, ka-li trên thế giới cũng như thị trường trong nước tăng theo.

Khi giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, nông dân sẽ chịu tác động lớn nhất, đặc biệt là người sản xuất có quy mô vừa và nhỏ. Theo tính toán, giá thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến gần 50% giá thành sản xuất, phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất, còn thuốc BVTV (vùng thâm canh lúa) chiếm khoảng 40% hoặc cao hơn, tùy vào tình hình dịch, bệnh. Nếu giá các mặt hàng này tiếp tục duy trì ở mức cao thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng và đời sống của nông dân.

Với diễn biến hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, trong thời gian tới giá các loại vật tư nông nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao. Để vượt qua khó khăn, trước mắt, các tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón... cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu để hạ giá thành sản xuất. Đồng thời, tăng cường giải pháp tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Khuyến khích các công ty, nhà máy tăng sản lượng sản xuất và hạn chế xuất khẩu, ưu tiên nguồn hàng phục vụ sản xuất trong nước. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá trục lợi và có hình thức xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Về lâu dài, để điều tiết được thị trường trong nước cần chủ động tìm lời giải cho bài toán nguyên liệu. Trong đó, cần quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; có cơ chế khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, công nghiệp sản xuất nguyên liệu trong nước, từng bước thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.