Tiếp sức doanh nghiệp để phục hồi tăng trưởng

Lần đầu kể từ năm 2015, hệ thống đăng ký kinh doanh ghi nhận chín tháng năm nay có sụt giảm về số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới so cùng kỳ thay vì tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trung bình mỗi năm ở mức hai con số. Bên cạnh đó, số lượng DN rút lui khỏi thị trường cũng tăng cao kỷ lục.

Cụ thể, chín tháng qua, cả nước có chưa đến 90 nghìn DN "ra đời", giảm 3,2% so cùng kỳ, trong khi số lượng DN rút lui khỏi thị trường dưới các hình thức đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ giải thể, hoàn tất thủ tục giải thể tăng đột biến, lên đến hơn 78.300 DN. Như vậy tính trung bình mỗi tháng, cả nước có hơn 8.700 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2% so cùng kỳ, chủ yếu là DN hoạt động dưới 5 năm. Ðáng lưu ý, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng kỷ lục 81,8% và diễn ra ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh. Tình trạng DN phải co cụm trước tác động của đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với khả năng tạo ra việc làm mới ít đi (khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng), tình trạng thất nghiệp gia tăng và thu nhập của người lao động giảm...

Những "con số biết nói" về tình hình đăng ký kinh doanh và lao động, việc làm nêu trên cho thấy các DN trẻ, quy mô nhỏ rất khó chống chịu trước tác động của dịch Covid-19. Trong thực tế, các chỉ số về đăng ký DN liên tục giảm kể từ tháng 2, khi trong nước phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, "sức khỏe" của DN có dấu hiệu phục hồi trong tháng 6 nhờ hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường và Chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, DN, bảo đảm an sinh xã hội.

 Ðợt bùng phát dịch Covid-19 lần 2 tuy có tác động đến đà phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng về cơ bản, các chỉ số về phát triển DN quý III được giữ ổn định và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Tín hiệu tích cực là, trong khó khăn, các nhà đầu tư vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội, thể hiện ở sự gia tăng mạnh mẽ về số vốn bổ sung, vốn cam kết đưa vào kinh doanh cũng như quy mô vốn trung bình của một DN thành lập mới. Trong cuộc điều tra mới đây của Tổng cục Thống kê, DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng chủ đạo của nền kinh tế - vẫn tin tưởng rằng triển vọng kinh doanh sẽ ổn định và tiếp tục tốt lên trong quý cuối cùng của năm.

Để thúc đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng năm 2020 từ 2,5% đến 3% như kỳ vọng, Chính phủ cần có ngay các giải pháp tiếp sức DN, bởi đây là khu vực có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP. Hiện các bộ, ngành đang rà soát, đánh giá, báo cáo Chính phủ kết quả việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân, DN được ban hành ngay sau khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đời sống kinh tế - xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn sắp tới, cơ quan chức năng sẽ có kiến nghị cụ thể cho những chính sách hỗ trợ mới. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, Chính phủ cần tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế năm 2020 và tạo đà cho tăng trưởng trong năm 2021.

Trong đó tập trung vào các giải pháp tiếp sức DN duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động với yêu cầu đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Ðồng thời, hỗ trợ cộng đồng DN trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế. Ðiều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TÔ HÀ