Thưởng thức nghệ thuật miễn phí ?

Ngày 28-9 vừa qua, khán giả yêu cải lương tại TP Hồ Chí Minh có dịp thưởng thức miễn phí tác phẩm Giấc mộng đêm xuân do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang biểu diễn tại rạp Hưng Ðạo.

Vở diễn quy tụ "dàn sao" hùng hậu, vốn là niềm tự hào của nhà hát với các nghệ sĩ: Linh Trung, Tấn Giao, Lê Tứ, Quỳnh Hương, Lê Hồng Thắm, Thu Vân..., cùng sự tham gia của hai "ngôi sao" bên ngoài là nghệ sĩ Thanh Ngân, Trọng Phúc. Ðây là chương trình được UBND thành phố Hồ Chí Minh tài trợ với mục đích tạo sự quan tâm của công chúng, từ đó dần hình thành thói quen quay trở lại rạp để thưởng thức các chương trình nghệ thuật. Cụ thể mỗi tháng, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sẽ có hai suất biểu diễn mở cửa tự do phục vụ khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương. Chương trình sẽ kéo dài đến hết năm 2019. Tuy nhiên từ đây cũng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc, nên hay không nên duy trì các chương trình nghệ thuật miễn phí?

Ðây không phải là lần đầu các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tìm cách đến với công chúng bằng con đường miễn phí. Trước đó, những đơn vị nghệ thuật như: Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Tuồng Ðào Tấn (Bình Ðịnh), Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Bắc Giang,... cũng tổ chức nhiều chương trình biểu diễn không bán vé phục vụ đông đảo khán giả yêu nghệ thuật, với mong muốn giới thiệu tinh hoa của các loại hình nghệ thuật. Từ đó kích thích khán giả quan tâm, tìm hiểu và yêu thích nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Trên thực tế, thời gian đầu, những chương trình này đã thu hút được sự quan tâm của công chúng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên sau đó, vì nhiều nguyên nhân như sự đơn điệu, nhàm chán của nhiều tiết mục, chất lượng vở diễn không được duy trì,... đã khiến sức hút của một số chương trình dần suy giảm nên buộc phải dừng lại. Ðiều đó cho thấy, biểu diễn miễn phí nếu không cẩn thận sẽ "lợi bất cập hại". Song đáng lo ngại hơn là từ đây đã và đang xuất hiện tâm lý thưởng thức nghệ thuật miễn phí thay vì hình thành thói quen mua vé đến rạp ở một số người. Về lâu dài, tâm lý này không những không "kích cầu" cho sự phát triển của các loại hình nghệ thuật mà thậm chí còn khiến các nhà hát lâm vào cảnh khó khăn hơn. Bởi lẽ sự tồn tại của các đơn vị nghệ thuật trông chờ chính từ việc khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua vé để thưởng thức các vở diễn mới. Ðiều này thể hiện quy luật cung - cầu bình đẳng, đồng thời cho thấy sự trân trọng của công chúng với lao động của các nghệ sĩ. Nguồn kinh phí thiết yếu này sẽ giúp các nhà hát duy trì hoạt động, đầu tư các vở diễn mới, nâng cấp trang thiết bị và cơ sở vật chất...

IỆN nay, việc tự chủ của các đơn vị nghệ thuật đang là vấn đề cấp bách. Do đó các hoạt động như quảng bá, tổ chức các chương trình miễn phí nhằm thu hút công chúng tìm đến với nhà hát là rất cần thiết. Bên cạnh đó không thể thiếu vai trò hỗ trợ của Nhà nước về chủ trương, chính sách đối với công tác bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống. Song xét về lâu dài, các đơn vị nghệ thuật chỉ có thể tồn tại và phát triển một cách hiệu quả từ sự nỗ lực tự thân, thể hiện bằng việc đổi mới tư duy, cách thức hoạt động, chú trọng đầu tư cho các vở diễn có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của khán giả,... Về phía người yêu nghệ thuật, cần sớm loại bỏ thói quen hưởng thụ miễn phí, bởi đó không bao giờ là động lực cho sự phát triển.